|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chứng sợ toán và hậu quả xấu về tài chính cá nhân

07:44 | 28/11/2019
Chia sẻ
Nếu bạn đã rất chăm chỉ nhưng không bao giờ đạt điểm cao trong môn toán và không thể nào tiết kiệm tiền bạc, đây là bài viết dành cho bạn.

Nỗi sợ với toán học, các phép tính và con số tồn tại với rất nhiều người trong chúng ta. Được định nghĩa là một phản ứng cảm xúc tiêu cực với toán học, nỗi sợ hãi này là một cảm giác lo lắng cực độ xảy ra với một số cá nhân khi phải thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến môn toán.

Hội chứng sợ toán xảy ra ở tất cả các nhóm tuổi. Theo một nghiên cứu, 93% người Mỹ trưởng thành cho biết họ cảm thấy sợ hãi môn toán ở một mức độ nhất định và 17% khẳng định mức độ ám ảnh của họ rất cao. Cảm xúc này có thể kéo dài từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành và cuối cùng, nó thậm chí ảnh hưởng đến khả năng tiết kiệm tài chính của bạn.

Nỗi sợ môn toán trong lớp học

Theo Kiplinger, rất nhiều giáo viên toán trung học cho biết học sinh của mình mắc phải hội chứng này. Nỗi sợ môn toán khác với lo lắng về bài kiểm tra, mắc lỗi trước các bạn cùng lớp hay chưa hoàn thành bài tập về nhà.

Hội chứng này đôi khi tồi tệ đến mức não bộ của một đứa trẻ không thể nào tập trung và hiểu được các vấn đề về toán học.

Trong hầu hết các trường hợp, những đối tượng cần được giúp đỡ nhất lại phủ nhận ý nghĩ cho rằng đó là vấn đề tâm lí trong khi các phụ huynh lại quy kết điểm kém cho những lí do như năng khiếu hoặc mức độ chăm chỉ. 

Phải đối mặt với vấn đề này một cách đơn độc khiến những đứa trẻ mắc hội chứng sợ toán không thể hoàn thành bài tập, trả lời câu hỏi và làm bài kiểm tra tốt như các bạn cùng lứa. Kết quả này càng làm tăng sự lo lắng, khiến học sinh cảm thấy chán nản, cuối cùng ghét môn toán và bất cứ điều gì liên quan, chẳng hạn như tài chính.

21239

Nỗi sợ với toán học, các phép tính và con số tồn tại với rất nhiều người trong chúng ta. Ảnh: Kiplinger.

Nỗi sợ hãi không biến mất ở tuổi trưởng thành

Khi trưởng thành, hội chứng này dường như giảm bớt bởi đơn giản là chúng ta không còn phải tới lớp học và làm bài kiểm tra. Tuy nhiên, sự lo lắng từ thời thơ ấu có thể nhanh chóng kích hoạt những phản ứng nhu nhược và chạy trốn khi người đó phải đối diện với những vấn đề tính toán trong cuộc sống.

Khi nào việc sử dụng toán học thực sự có liên quan trong cuộc sống hàng ngày của một người? Đó là khi bạn phải xây dựng và thực hiện một kế hoạch tài chính và điều này chắc chắn bao gồm các phép toán từ đơn giản đến phức tạp nhất. Do đó, một cá nhân từng phải vật lộn với nỗi sợ môn toán khi còn là học sinh có thể gặp nhiều trở ngại khác do hội chứng này ngay cả khi đã là người trưởng thành.

Những hậu quả xấu về tài chính

Theo các chuyên gia của Kiplinger, việc xử lý và sắp xếp tất cả thông tin tài chính cá nhân, xây dựng và thực hiện một kế hoạch hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu tương lai không phải là nhiệm vụ dễ dàng với tất cả mọi người. 

Tuy nhiên, đối với người mắc phải hội chứng sợ toán, điều này dường như trở thành một nhiệm vụ bất khả thi. Vì vậy, họ có xu hướng trì hoãn tính toán lại khoản nợ, xem xét quỹ tiết kiệm hay so sánh mức giá thuê nhà ở hai nơi.

Dù những nguồn lực và chuyên gia hỗ trợ tài chính giờ đây luôn sẵn sàng, cũng như khi còn là những đứa trẻ, họ thường từ chối tìm kiếm sự giúp đỡ. Ý tưởng phải bộc lộ điểm yếu khiến họ cảm thấy không an toàn và chắc chắn không đủ tự tin để thuê dịch vụ tài chính chuyên nghiệp bên ngoài.

Nếu bạn đã từng trải qua hội chứng sợ toán, bước đầu tiên là nhận ra bản thân đang gặp phải vấn đề nào. Tiếp theo, khi trưởng thành, làm dịu nỗi sợ hãi và giải quyết vấn đề sẽ dễ dàng hơn rất nhiều bởi nguồn lực hỗ trợ luôn dồi dào và sẵn có. 

Cuối cùng, vì bạn đã trưởng thành, bạn có thể thoải mái tìm kiếm sự giúp đỡ từ bất cứ ai mà không bị coi là gian lận như trong một bài thi cuối kì.

Thu Phương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.