8 thói quen tài chính lành mạnh cho người 30 tuổi
Các chuyên gia tài chính của Forbes khẳng định rằng những quyết định tài chính thông minh ở độ tuổi 30 có tác động tích cực và mạnh mẽ đến tương lai của bạn.
Khi chúng ta còn trẻ, lối sống hưởng thụ, khám phá điều mới và không suy nghĩ lâu dài thật phổ biến. Đó là lí do ngày càng hiếm người trẻ biết cách tiết kiệm tiền ở độ tuổi 30 trong khi mải miết chạy theo những kế hoạch hay công việc kiếm được nhiều tiền hơn nhưng không bao giờ là đủ.
Vì vậy, bắt đầu quản lí tài chính thông minh từ sớm có thể giúp bạn xây dựng nền tảng tài sản bền vững, giúp bạn đạt được các mục tiêu như du lịch nước ngoài, du học,... trong tương lai. Dưới đây là 8 cách để thay đổi thói quen tài chính trong những năm tuổi trẻ một cách khôn ngoan và tập trung vào mục tiêu tiết kiệm.
1. Trả hết nợ thẻ tín dụng
Theo Cục Dự trữ Liên bang, một nửa dân số Mỹ không thể thanh toán dư nợ thẻ tín dụng mỗi tháng. Nếu bạn đang gặp phải tình huống này, đã tới lúc bạn nên lập chiến lược. Báo cáo đánh giá kinh doanh năm 2016 của Harvard khẳng định giải pháp hàng đầu được nhiều chuyên gia tài chính khuyến khích nhất là trả hết khoản nợ nhỏ nhất trước tiên.
Giải quyết được một mục tiêu nhỏ có thể sẽ tác động mạnh mẽ đến ý thức cải thiện tài chính của bạn và cho bạn thêm động lực để tiếp tục trả nợ.
2. Đừng tin vào kế hoạch làm giàu nhanh chóng hoặc cơ hội đầu tư dễ dàng
Mỗi ngày lướt báo mạng hay newsfeed mạng xã hội, bạn sẽ thấy hàng tá quảng cáo về những khóa học hay kế hoạch làm giàu dễ dàng, hấp dẫn nhưng hãy nhớ rằng sự giàu có thực sự và bền vững cần được xây dựng theo thời gian.
Bạn nghĩ rằng những đồng tiền vất vả bạn kiếm được hàng ngày có thể sinh sôi nhanh chóng nhờ các khóa học như vậy? Miếng phô mai dễ ăn chỉ nằm trong bẫy chuột mà thôi! Nếu bạn đang cân nhắc việc kinh doanh riêng, hãy trao đổi với một cố vấn tài chính hoặc nhân viên ngân hàng và bạn không cần phải có khối tài sản kếch xù mới được trao đổi về tiền bạc.
57% người trẻ bị thôi thúc phải chi tiêu nhiều hơn để đuổi kịp xu hướng trên các mạng xã hội. Ảnh: Forbes
3. Thận trọng khi sử dụng mạng xã hội
Một nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 60% người trẻ nói rằng họ cảm thấy không thoải mái về cuộc sống và tài sản cá nhân sau khi thấy lối sống và đời tư của đồng nghiệp trên mạng xã hội với vô số hàng hiệu, siêu xe và các chuyến du lịch đắt đỏ.
Kết quả là 57% trong đó bị thôi thúc phải chi tiêu nhiều hơn để đuổi kịp xu hướng và không còn tiền tiết kiệm hoặc ngập trong nợ nần. Nếu bạn cảm thấy bắt buộc phải chi tiêu theo những bức ảnh trên mạng xã hội, hãy cân nhắc lại những tài khoản bạn đang theo dõi.
4. Đừng làm mọi thứ một mình
Trừ khi bạn bước chân vào ngành tài chính cá nhân hoặc đã có khả năng theo dõi các khoản đầu tư cá nhân một cách chuyên nghiệp, hãy trò chuyện với các chuyên gia hoặc người thân, bạn bè thành công về tài chính để tích lũy kinh nghiệm và lời khuyên cho chính mình.
5. Tiết kiệm tối thiểu 15% tổng thu nhập cho đến khi nghỉ hưu
Con số 15% thu nhập là mức tính được các chuyên gia xây dựng quỹ hưu trí 401 (k) đưa ra cho mục tiêu tiết kiệm lâu dài của một người. Dù con số này có thể cao so với mức sống của một số người nhưng sẽ có tác động tích cực đến tiền tiết kiệm của bạn trong tương lai.
6. Tăng mức tiết kiệm khi thu nhập tăng
Tăng mức tiết kiệm theo % thu nhập của bạn thay vì một số tiền cố định theo thời gian là lựa chọn được các chuyên gia Forbes khuyến khích. Nói cách khác, hãy xem việc tăng lương là cơ hội để tiết kiệm nhiều hơn thay vì chi tiêu nhiều hơn. Nếu bạn thực sự có động lực, hãy cố gắng duy trì mức chi tiêu hiện tại trong vòng một năm sau khi tăng lương.
7. Không tiêu xài tiền thưởng hay tiền tặng từ người thân, bạn bè
Việc mua sắm hay ăn uống xa xỉ nhờ số tiền thưởng hay tiền mừng vào ngày lễ tết, sinh nhật thật hấp dẫn. Thay vào đó, hãy cân nhắc chi tiêu một phần khoản thu nhập thụ động này cho điều gì đó bổ ích hoặc cần thiết như sửa chữa xe cộ hoặc tu bổ nhà ở và tiết kiệm phần còn lại. Và nếu số tiền nhàn rỗi này đủ nhiều, hãy liên lạc với các tư vấn viên ở ngân hàng để lựa chọn hình thức sổ tiết kiệm phù hợp.
8. Bắt đầu tiết kiệm cho quỹ dự phòng khẩn cấp
Các chuyên gia Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York từng tiết lộ 2.000 USD là số tiền trung bình một người bình thường sẽ cần để giải quyết khủng hoảng bất ngờ. Vì vậy, quỹ dự phòng khẩn cấp có thể giảm bớt khó khăn tài chính và giữ nguyên các tài khoản tiết kiệm khác của bạn trong trường hợp tai nạn, bệnh tật hay biến cố xảy ra.