|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

5 bí kíp tài chính giúp các cặp đôi luôn hạnh phúc

07:17 | 20/09/2019
Chia sẻ
Tài chính là một trong những nguyên nhân khiến các cặp đôi đổ vỡ nhiều nhất và bạn đã biết cách khắc phục?

Dù bạn vừa kết hôn hay đã kết hôn trong nhiều năm, tài chính gia đình vẫn là một bài toán khó và đôi khi khiến nhiều cặp đôi phải lúng túng. 

Nếu bạn không có cùng mục tiêu và tư duy tài chính với bạn đời, hai người vẫn là một cặp đôi "mới quen" bất kể bạn đã hẹn hò hoặc thậm chí kết hôn bao lâu. 

Chuyên gia David Rae của tạp chí Forbes luôn ngạc nhiên khi thấy nhiều cặp vợ chồng chưa bao giờ lo lắng hay trao đổi nghiêm túc về tương lai tài chính của họ. Những thứ như tiết kiệm cho nghỉ hưu, mua nhà, hoặc thậm chí có bao nhiêu em bé hiếm khi nằm trong danh sách thảo luận.

Trên thực tế, những bất đồng về tiền bạc thực sự có thể gây ra xích mích nghiêm trọng ở các cặp vợ chồng. 5 lời khuyên dưới đây hi vọng có thể giúp bạn tránh được những trận cãi vã và duy trì hạnh phúc cho bạn lâu dài. 

1. Xác định mục tiêu và tư duy tài chính thống nhất

Hãy dành một ngày trước khi cưới để thảo luận về mức thu nhập và chi phí hiện tại của hai bạn để có được nền tảng thiết lập ngân sách gia đình cũng như quyết định cách bạn muốn chia sẻ nghĩa vụ tài chính. 

Lập kế hoạch thanh toán hóa đơn hàng tháng của bạn và dành tiền cho các mục tiêu tài chính dài hạn khác của hai người là lựa chọn khôn ngoan.

Đừng quên cho nhau một số tiền riêng để mỗi người vẫn có thể chi tiêu theo cách mình thích. Nếu bạn đang có một ngân sách eo hẹp, đây là việc hết sức cần thiết. 

Ngoài ra, bạn cũng cần ngân sách riêng để chi tiêu mà không cần hỏi ý kiến người khác.

Ngoài ra, nếu bạn đang mang nợ cá nhân vào cuộc hôn nhân (thẻ tín dụng, khoản vay sinh viên, vay thế chấp mua xe hơi), hãy xây dựng kế hoạch trả nợ bởi dù không vui vẻ nhưng thực tế là khoản nợ này sẽ thuộc về cả hai bạn.

960x0 (2)

Các cặp đôi mới cưới cần có thời gian tìm hiểu về mục tiêu và tư duy tài chính của đối tác. Ảnh: Forbes

2. Đặt mục tiêu tài chính sau khi kết hôn

Trong ngắn hạn, mục tiêu tài chính có thể là một kì nghỉ ở nước ngoài hoặc chỉ đơn giản là tiết kiệm tiền để trả hết nợ. 

Lâu dài hơn, bạn có thể muốn lập kế hoạch mua chiếc xe hơi đầu tiên, mua một ngôi nhà hay chuyển tới nơi ở mới. Tất nhiên, bạn vẫn cần có lịch trình tiết kiệm cho quĩ hưu trí và quĩ khẩn cấp.

3. Cùng làm việc chăm chỉ để kiếm được nhiều tiền hơn

Nộp thuế cùng nhau là một phần của cuộc sống hôn nhân. Ngay khi hai bạn đặt bút kí vào tờ giấy đăng kí kết hôn, nhà nước sẽ tính mọi nghĩa vụ tài chính của 2 người như một hộ gia đình. 

Vì vậy, bạn nên tìm hiểu trước thay vì phó mặc đời sống tương lai cho may mắn hoặc phát hiện một sự thật đáng tiếc khi quá trễ.

Đừng đợi tới khi quyết định kết hôn mới cùng người bạn đời xây dựng kế hoạch sự nghiệp và tiết kiệm. Hãy chủ động quan sát và đề cập tới công việc của đối tác để thấy tác phong và tư duy làm việc của họ ra sao. 

Điều cuối cùng bạn muốn là kết hôn với một người lười nhác, ỉ lại và không bao giờ muốn làm việc nghiêm túc để kiếm tiền.

4. Lập kế hoạch tiết kiệm và bảo hiểm

Khi độc thân, bạn chỉ có kế hoạch cho bản thân mình nhưng sau khi kết hôn, bạn nên có cái nhìn khác về những thứ như bảo hiểm nhân thọ, tai nạn hoặc thậm chí xa hơn, bảo hiểm giáo dục cho trẻ em. 

Dù không ai trong chúng ta mong muốn có điều gì xấu xảy ra nhưng bạn nên đảm bảo rằng tương lai tài chính sẽ không bị phá hủy hoàn toàn do một hóa đơn viện phí bất ngờ.

5. Thống nhất về quyền sở hữu tài sản và các giấy tờ liên quan

Nếu bạn đã có bảo hiểm nhân thọ hoặc quĩ tiết kiệm hưu trí, hãy đảm bảo rằng bạn và đối tác đã thống nhất tên những người thụ hưởng bao gồm các thành viên trong gia đình hay người thân nào khác. 

Ngoài ra, những tài sản bạn đã vất vả kiếm được trước khi kết hôn như sổ tiết kiệm, xe hơi, bất động sản đều nên thuộc về bạn và do bạn lựa chọn người cùng sở hữu. Không ai có quyền buộc bạn phải đánh đổi tài sản của mình cho những thứ mơ hồ như tình yêu, niềm tin và chung thủy. Tài chính luôn cần một cái đầu lạnh.

Xây dựng được một nền tảng tài chính chung sẽ giúp bạn có được cuộc sống tài chính gia đình bền vững và khiến hai bạn gắn bó với nhau hơn. Bất cứ điều gì hai bạn có thể thảo luận cùng nhau sẽ tháo gỡ mọi bất đồng. 

Về lâu dài, sự nỗ lực của cả hai bạn chắc chắn đưa tới thành công trong mục tiêu tài chính và cả cuộc sống riêng.

Thu Phương