|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao Minh Phú giảm tỷ trọng xuất khẩu tôm sang Mỹ?

19:29 | 23/06/2021
Chia sẻ
Trường hợp Minh Phú bán tôm nguyên con vào thị trường Mỹ để cạnh tranh với Ecuador được cho là không hiệu quả bởi giá tôm nguyên con loại 60 con/kg của Ecuador là 55.000 đồng/kg trong khi giá của Việt Nam là trên 100.000 đồng/kg.

Nếu cạnh tranh trực tiếp với Ecuador, Minh Phú phải chấp nhận lỗ 50%

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết năm 2021, công ty sẽ giảm tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ bởi sự chuyển hướng của đối thủ Ecuador sang thị trường này. 

Nước này chỉ bán được hàng nguyên con thay vì các hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. 

Ông Quang nhận định: "Đây là sân còn để ngỏ và Minh Phú cần khai thác. Chúng tôi không "dại" gì bán tôm nguyên con vào thị trường Mỹ để cạnh tranh với Ecuador bởi giá tôm nguyên con loại 60 con/kg của Ecuador là 55.000 đồng/kg trong khi giá của Việt Nam là trên 100.000 đồng/kg. Chúng tôi không thể cạnh tranh, nếu cố bán thì xác định lỗ 50%".

Do đó, ông Quang cho biết định hướng trong thời gian tới công ty sẽ giảm tỷ trọng xuất khẩu xuống còn khoảng 30%.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Minh Phú, Mỹ , Nhật Bản và châu Âu là ba thị trường quan trọng nhất của công ty chiếm tỷ trọng lần lượt 40%, 24% và 14,5%. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 5/2021, doanh thu từ thị trường Mỹ mới chiểm khoảng 18%. 

Điều này cho thấy rõ ý định của Minh Phú trong việc chuyển mình tập trung sang thị trường khác, thay vì Mỹ như trước đây. 

Với việc tập trung vào thế mạnh là các sản phẩm chế biến như tẩm bột, xiên que, xẻ bướm,..thời gian tới công ty sẽ tăng tỷ trọng ở các thị trường châu Âu và châu Á, đặc biệt là Nhật Bản.

Vì sao Minh Phú giảm tỷ trọng xuất khẩu tôm sang Mỹ? - Ảnh 1.

Tỷ trọng các thị trường tiêu thụ tôm Minh Phú trong năm 2020. (Số liệu: Báo cáo tài chính hợp nhất Minh Phú, biểu đồ: H.Mĩ)

Sở dĩ trước đây Mỹ chiếm tới 40% tỷ trọng xuất khẩu của Minh là do Ecuador bán hàng chủ yếu ở thị trường Trung Quốc. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 việc xuất khẩu sang thị trường này cũng khó khăn hơn bởi những quy định kiểm dịch ngặt nghèo; trong khi, khoảng cách địa từ Ecuador sang Mỹ gần hơn. Do vậy Ecuador quyết định chuyển hướng sang thị trường Mỹ.

Trước đó, hồi đầu năm, công ty tôm lớn thứ 4 của Ecuador là Sociedad Nacional de Galapagos (Songa) từng bị Trung Quốc "tuýt còi" do bị phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì tôm đông lạnh tại kho hàng ở Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, theo trang Undercurrent News. Phải đến cuối tháng 3 công ty này mới được gỡ bỏ lệnh cấm.

Ngoài Songa, công ty sản xuất thủy hải sản FIREXPA S.A. của nước này cũng từng bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc vì lý do tương tự. 

Những khó khăn ở thị trường Trung Quốc và sự chuyển dịch sang Mỹ của ngành tôm Ecuador được thể hiện rõ nét trong số liệu xuất khẩu trong tháng 4.

Cục thể, theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 4, xuất khẩu tôm của nước này sang thị trường Trung Quốc đạt 37 nghìn tấn, trị giá 193 triệu USD, giảm 21% về lượng và giảm 25% về trị giá so với tháng 4/2020. 

Mặc dù thị trường Trung Quốc vẫn chiếm 49% tổng xuất khẩu tôm của Ecuador nhưng con số này giảm mạnh so với mức 82% trong tháng 4/2020. 

Trong khi xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng tới 352% về lượng và tăng 347% về trị giá so với tháng 4/2020, đạt 16,4 nghìn tấn, trị giá 92 triệu USD. Tỷ trọng xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng từ 6% trong tháng 4/2020, lên 22% trong tháng 4/2021.

Thị trường Mỹ - Bông hồng đầy gai của Minh Phú

Mặc dù chiếm tỉ trọng lớn tới 40% nhưng Mỹ lại là thị trường khiến Minh Phú tốn khá nhiều công sức và tiền bạc để giải quyết các vụ kiện tụng liên quan đến cáo buộc "gian lận xuất xứ".

Trước đó, hồi tháng 1/2020, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) khởi xướng điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang áp dụng cho tôm xuất khẩu của Ấn Độ.

Ngoài ra, cơ quan này áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của Minh Phú và công ty liên kết tại Mỹ.

Ông Quang cho biết để công ty phải huy động toàn bộ cán bộ nhân viên và tốn rất nhiều tiền thuê luật sư giỏi để giải quyết các thủ tục, hồ sơ lẽ ra mất 3 năm mới hoàn thành nhưng phải xong trong vòng đúng 6 tháng. 

"Chúng tôi phải huy động cán bộ nhân viên, có khi dừng sản xuất để chuẩn bị thủ tục. Có những việc phát sinh mà chúng tôi không thể dự tính được. Đây là lý do trong năm 2020 chúng tôi không hoàn thành kế hoạch", ông Quang cho biết.

Đến tháng 2 năm nay, CBP cho biết không có bằng chứng để kết luận Minh Phú lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà Mỹ đang áp dụng với tôm của Ấn Độ. CBP cho biết sẽ xem xét, điều chỉnh biện pháp ban hành trước đó để không áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm tôm xuất khẩu của công ty.

Tuy nhiên, theo ông Quang, Minh Phú vẫn chưa được hoàn thuế mà lẽ ra công ty phải được nhận từ quý I do bên nguyên đơn tiếp tục khởi kiện lên tòa án. 

"Dự kiến cuối tháng 6 này toà bên Mỹ sẽ trả lời. Nhưng bên nguyên đơn cũng không dễ dàng chịu thua nên kiện tiếp. Do đó trong năm nay sẽ không nhận được số tiền hoàn thuế và phải sang năm 2022, trải qua thêm 1 - 3 lần “thưa đi thưa lại” nữa thì mới nhận được tiền hoàn thuế", ông Quang cho biết.

Mặc dù Minh Phú giảm tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ nhưng đây vẫn được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng sau đại dịch COVID-19.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường Mỹ sẽ tiếp tục là điểm sáng cho thủy sản Việt Nam, với dự đoán nhu cầu gia tăng vởi cả tôm, cá tra, cá ngừ và các hải sản khác.

Đặc biệt đối với tôm, Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn tại Mỹ khi Ấn Độ- nguồn cung lớn nhất tại thị trường này đang gặp khó khăn về sản xuất do dịch COVID-19.

Theo ông Quang, mặc dù tôm Minh Phú đang bán với giá cao hơn 30% so với tôm Ấn Độ tại Mỹ nhưng sức cạnh tranh vẫn tốt hơn so với Ecuador.

Ngoài ra, các con số thống kê cho thấy tiêu dùng thủy sản của Mỹ đã tăng mạnh trong đại dịch và có xu hướng kéo dài. Dự báo tiêu thụ thủy sản tươi và đông lạnh sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới so với mức bình thường trước đại dịch.

H.Mĩ

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.