Vì sao hàng loạt doanh nghiệp niêm yết bị truy thu thuế?
Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) vừa nhận quyết định xử lý vi phạm hành chính từ Tổng cục Thuế với số tiền phải nộp ngân sách nhà nước gần 106 tỷ đồng. Cụ thể, tiền thuế tăng thêm do sự khác nhau trong cách ghi nhận doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp là 82,6 tỷ đồng. Phần còn lại hơn 23 tỷ đồng đến từ tiền phạt hành chính và lãi chậm nộp của doanh nghiệp.
Trước đó, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang – doanh nghiệp dẫn đầu thị phần ngành dược cũng bị truy thu và nộp phạt hơn 30 tỷ đồng theo yêu cầu của cơ quan thuế do hành vi kê khai sai. Theo lý giải của ban lãnh đạo công ty, vi phạm này không mang tính cố ý mà do nhầm lẫn số liệu khi kê khai và chưa cập nhật kịp thời chính sách thuế.
PV Gas và Dược Hậu Giang là hai trong số những trường hợp doanh nghiệp niêm yết bị truy thu và phạt thuế lên đến hàng chục tỷ đồng trong những ngày làm việc cuối năm ngoái. Mới đây nhất, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục ra quyết định xử phạt Tập đoàn Công nghệ CMC, Tập đoàn Đầu tư Thăng Long, Quốc tế Sơn Hà… vì những sai phạm tương tự sau đợt thanh tra kỳ thuế 2016.
PV Gas là một trong số những doanh nghiệp vừa bị truy thuế hàng trăm tỷ đồng. |
Lý giải về việc cơ quan thuế liên tiếp công bố quyết định xử lý vi phạm, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng Cục Thuế) cho rằng nguyên nhân chủ yếu đến từ việc doanh nghiệp không hiểu rõ quy định pháp luật trong nhiều tình huống khác nhau. Đơn cử như việc phụ thuộc vào đơn vị tư vấn thuế nên lười cập nhật chính sách mới, dẫn đến hàng loạt sai phạm nếu đối tác sơ suất.
“Doanh nghiệp nói cơ quan thuế không phổ biến cặn kẽ nên chậm cập nhật chính sách là đúng, nhưng đó là thời điểm 10 năm về trước. Chúng tôi đã xây dựng và sử dụng nhiều kênh truyền thông để tiếp cận doanh nghiệp ngay cả trước và sau khi ban hành thông tư mới nên phần lớn vi phạm hiện nay đều có chủ đích”, ông Phụng nói và cho biết thêm, không chỉ riêng trong giai đoạn cuối năm 2017 mà hiện nay, cơ quan thuế vẫn đang tích cực thanh tra “những con cá lớn” nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp lách luật, gây thất thu ngân sách.
Kết quả thanh tra cho thấy, việc hiểu sai hoặc chưa đầy đủ quy định pháp luật gây ra những bất đồng quan điểm về ghi nhận doanh thu, chi phí và thời điểm áp dụng thuế suất là lỗi phổ biến nhất khiến doanh nghiệp bị truy thu thuế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp mua hoá đơn bù vào nhiều khoản chi tiêu khuất tất, không minh bạch cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thanh tra.
Bình luận thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Lương Nhân - Giám đốc điều hành Công ty kiểm toán DFK Việt Nam cho rằng một số doanh nghiệp niêm yết nêu nguyên nhân không kịp cập nhật chính sách thuế nên vi phạm là lý do chống chế. Tuy nhiên, việc này cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho doanh nghiệp, bởi một phần trong đó xuất phát từ sự chủ quan của đơn vị kiểm toán.
Theo ông Nhân, thuế là khoản mục quan trọng trong báo cáo tài chính nên kiểm toán thường thực hiện rất nhiều thủ tục đối chiếu chừng từ, hoá đơn. Trong trường hợp phát sinh vấn đề, kiểm toán luôn phải đề nghị khách hàng (doanh nghiệp) gửi công văn lên Tổng Cục Thuế để giải đáp thắc mắc. Báo cáo tài chính khi phát hành mà vẫn phát hiện sai phạm về thuế thì nhiều khả năng do kiểm toán không hoặc chưa thực hiện đầy đủ động tác này.