Vì sao giá cà phê tăng phi mã ngay trong mùa thu hoạch?
Giá cà phê tăng ngay trong thời gian thu hoạch
Những ngày đầu tháng 12/2023, giá cà phê robusta tại thị trường nội địa tăng mạnh so với cuối tháng 11/2023. Diễn biến này trái với quy luật mọi năm khi vùng Tây Nguyên đang bước vào thời điểm thu hoạch, giá thường giảm do áp lực nguồn cung tăng lên.
Tính đến ngày 18/12, giá cà phê trung bình ở khu vực Tây Nguyên ở mức 67.300 đồng/kg, tăng mạnh 10.000 đồng/kg (tương đương 17%) so với cuối tháng 11.
Trong báo cáo được công bố hôm 11/12, Cục Xuất nhập khẩu cho biết hiện các địa phương sản xuất cà phê chính của Việt Nam đang bước vào niên vụ mới 2023-2024 và đã thu hoạch được khoảng 50% sản lượng. Do thời tiết không thuận lợi, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2023-2024 được dự kiến giảm so với niên vụ trước.
Báo cáo của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa) cho biết dự kiến sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 giảm 10% so với niên vụ trước đó do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, diện tích trồng xen tăng, người nông dân sẽ đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái.
Cùng với giảm sản lượng, tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới cũng ở mức thấp nhất qua các năm. Nếu như ở niên vụ 2022 - 2023, lượng tồn kho chuyển từ vụ trước đó là khoảng 160.000 tấn thì năm nay, con số này chưa bằng một nửa, khoảng 58.000 tấn.
Mặc dù giá cà phê trong năm 2023 tăng cao nhưng nhiều diện tích đã chuyển đổi sang trồng sầu riêng, trái cây.Hiện tại diện tích cà phê trồng xen với các loại cây khác chiếm khoảng 26% tổng diện tích, tương đương 187.000 ha.
"Nhìn chung do giá cà phê những năm qua xuống quá thấp nên người nông dân chưa đầu tư nhiều cho cây cà phê chỉ trừ các công ty cà phê và một số hợp tác xã”, Vicofa cho hay.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group nhận định với tình hình hiện tại, chỉ cần đến tháng 4 - 5/2024 là có thể tiêu thụ hết hàng. Trong năm 2023, tình hình khan hiếm hàng bắt đầu từ tháng 6, đẩy giá cà phê trong nước tăng cao.
"Châu Âu gần như chỉ có thể trông vào Việt Nam để mua cà phê robusta. Vì vậy, nhiều khả năng giá cà phê ở Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trong năm 2024, thậm chí cao nhất thế giới", ông Nam nói thêm.
Người dân găm hàng không bán
Đà tăng giá cà phê trong nước càng được thúc đẩy thêm khi người dân găm hàng, không bán cho đại lý.
Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo của một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn cho biết thời điểm đầu vụ, một số hộ đã ký bán trước cho các đại lý với giá 50.000 - 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau đó vài tuần, giá cà phê tăng mạnh, vượt mốc 60.000 đồng/kg, nhiều hộ “bể kèo” không giao đủ hàng như đã ký kết. Điều này khiến các đại lý thiếu cà phê để giao cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Còn ở phía doanh nghiệp xuất khẩu, nỗi lo của họ là thiếu hàng để giao cho đối tác. Khi các đối tác nước ngoài không có hàng, họ buộc phải tìm đến sàn London. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá cà phê robusta giao sau trên sàn London tăng mạnh 300 - 400 USD/tấn trong một tuần qua, phá vỡ mức kỷ lục cũ mới thiết lập hồi tháng 7, lên hơn 2.800 USD/tấn.
“Các nhà rang xay đối tác của chúng tôi cho biết mức giá 2.800 USD/tấn vượt ngoài kinh phí mua hàng của họ, nên không chốt được. Họ chấp nhận việc chậm giao hàng để chờ đợi mức giá tốt hơn”, vị này cho biết.
Ông cho rằng nếu người dân tiếp tục găm hàng, rủi ro không chỉ đến với các đại lý, doanh nghiệp mà còn lan rộng đến toàn ngành hàng. Các khách hàng có thể tìm đến nhà cung cấp của nước khác để thay thế.
“Trong 3 tháng qua, các công ty nước ngoài bắt đầu rang hàng của Brazil. Nếu người dân tiếp tục giữ hàng, đến tháng 4, 5 năm sau khi hàng Brazil được bổ sung, thì lúc đó hàng Việt Nam sẽ khó bán được. Ít nhất người dân phải bán ra 50% thì mọi thứ mới quay trở lại quỹ đạo bình thường, nếu không thị trường sẽ bị “gãy”, ông cảnh báo.
Ngoài Brazil, hiện tại một số quốc gia Châu Phi cũng bắt đầu bước vào cuộc đua trồng robusta. Điển hình như Uganda. Nước này đang tập trung phát triển cà phê robusta bởi dễ trồng, năng suất cao. Các nhà rang xay cũng bắt đầu dùng hàng của Uganda.
Ngoài ra, vị này cho rằng nếu giá cà phê robusta vẫn tiếp tục tăng cao trong khi giá hạt arabica đang giảm, thì các nhà rang xay có thể quay trở lại sử dụng hạt arabica. Điều này sẽ bất lợi đối với hạt robusta và giá có thể giảm xuống.
"Giá cà phê hay nhiều loại nông sản khác một khi đã giảm sau một đợt tăng nóng thì sẽ giảm rất mạnh và sâu", ông cho biết.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/