|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vì sao CJ đi xây \"Cầu Tre\"?

20:16 | 05/12/2016
Chia sẻ
Đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam, CJ đang đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu thực phẩm.

Tập đoàn CJ Hàn Quốc đã mua thành công cổ phần chi phối Công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre. Với thương vụ này, CJ gần như đã hoàn thành mục tiêu chuỗi khép kín trong ngành thực phẩm tại Việt Nam.

Không bỏ cuộc M&A

Sau thất bại trong thương vụ mua cổ phần của Công ty Vissan, CJ Hàn Quốc quay sang bắt tay với công ty mẹ là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) nhằm mở rộng chuỗi liên kết, phân phối trong ngành thực phẩm. Không bỏ cuộc, mới đây, một công ty con khác của Satra là Cầu Tre với vốn điều lệ 117 tỉ đồng cũng đã lọt vào tầm ngắm của CJ.

Ngay khi nhận được công văn của CJ, lập tức Cầu Tre tổ chức Đại hội cổ đông bất thường và chấp nhận cho đối tác CJ chuyển nhượng cổ phần từ 3 cổ đông là Transwell Enterprises Limited, Quỹ Đầu tư Việt Nam và Tổng Công ty Sông Đà với số cổ phần khoảng 47,33% bằng phương thức thỏa thuận, không thông qua thủ tục chào mua công khai. Còn lại, cổ đông lớn nhất của Cầu Tre là Satra vẫn đang sở hữu 45% vốn.

Hiện nay, CJ đã có nhà máy thức ăn, chuỗi trang trại heo, gà tại Việt Nam và rất muốn có thêm nhà máy chế biến thực phẩm để hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín. Cầu Tre, vốn có kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực sản xuất chế biến thực phẩm và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, sẽ là miếng ghép hoàn hảo cho CJ trong lĩnh vực thực phẩm.

CJ đầu tư mạnh trong 2 lĩnh vực là sản xuất thức ăn chăn nuôi với nhà máy CJ Vina Agri và ngành thực phẩm với chuỗi cửa hàng Tous Les Jours hiện đã mở rộng 19 cửa hàng trên cả nước. Khoảng 4 năm trở lại đây, ngành thực phẩm được CJ đầu tư rất nhiều, cụ thể như công ty con CJ Freshway cũng đã liên doanh với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hoa Lâm để vào Việt Nam phát triển dịch vụ cung cấp thực phẩm và thức ăn dinh dưỡng. Ngoài nông nghiệp và thực phẩm, CJ còn đầu tư mạnh vào lĩnh vực truyền thông và giải trí tại Việt Nam.

Từ khi vào Việt Nam đầu tư đến nay, CJ đã lớn mạnh nhanh chóng nhờ liên tục mua lại nhiều thương hiệu trong nước. Theo ông Chang Bok Sang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CJ Việt Nam, CJ sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác và tiến hành các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong thời gian tới ở lĩnh vực thực phẩm, bán lẻ và giải trí.

Ngay tháng 1 vừa qua, CJ Việt Nam đã mua lại thương hiệu kim chi Ông Kim. Đây là thương hiệu được một doanh nhân Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam từ năm 2004 và được bán tại hầu hết các siêu thị lớn. Ông Chang chia sẻ, CJ đã mua lại một công ty chuyên sản xuất thực phẩm kim chi để đầu tư cải tiến công nghệ cung ứng cho thị trường nội địa và mở rộng xuất khẩu. Có thể thấy, với hàng loạt thương vụ mua bán trong lĩnh vực thực phẩm, CJ cho thấy tham vọng trong lĩnh vực thực phẩm tại Việt Nam.

vi sao cj di xay cau tre

CJ đặt mục tiêu biến Việt Nam trở thành điểm đầu tư lớn thứ 3 của Tập đoàn trên toàn cầu vào năm 2020.

Trong cuộc họp chiến lược vào tháng 3 vừa qua, ông Chang nhận định gần 20 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, CJ đã đạt được những bước phát triển bền vững trong kinh doanh, với mức tăng trưởng bình quân hằng năm trong giai đoạn 2011-2015 là 26,73%. Do đó, tập đoàn này lên kế hoạch đầu tư dài hơi hơn tại đây trong tương lai, đưa Việt Nam trở thành điểm đầu tư lớn thứ 3 của Tập đoàn vào năm 2020, chỉ sau Hàn Quốc và Trung Quốc. Vào Việt Nam gần 20 năm nay với vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD nhưng mới đây, CJ thông báo sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam. Đây là động thái cho thấy CJ quyết tâm đưa Việt Nam trở thành trung tâm của Tập đoàn trong sản xuất và xuất khẩu thực phẩm đi thế giới.

Vị thế mới của CJ

Trong 4 lĩnh vực CJ đang đầu tư tại Việt Nam, nhóm thực phẩm đang có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, lên đến 86% trong giai đoạn năm 2011-2015. Đây sẽ là nhóm ngành hàng giữ tốc độ tăng trưởng cao nhất của CJ tại Việt Nam trong thời gian tới. “Vì thế, CJ muốn hình thành hệ thống khép kín từ xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu, sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu ra thị trường thế giới”, ông Chang chia sẻ.

Hệ thống khép kín của CJ tại Việt Nam sẽ đảm nhận 2 nhiệm vụ chính là mở rộng sản xuất để chiếm lĩnh thị trường nội địa ở các phân khúc tiềm năng từ thực phẩm, chế biến, bán lẻ, giao nhận, kho vận, đến dược phẩm, dịch vụ, bất động sản, giải trí và truyền thông. Thứ hai, CJ sẽ đầu tư máy móc, công nghệ và kỹ thuật trong các nhà máy mới mua nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của CJ tại nước ngoài để giảm bớt sự phụ thuộc vào cứ điểm lớn đầu tiên là Trung Quốc và hạn chế rủi ro trong đầu tư.

Mặc dù Cầu Tre không phải là công ty đứng đầu thị trường thực phẩm như Vissan nhưng Công ty cũng có kinh nghiệm và hệ thống sản xuất tốt, có nhiều thị trường xuất khẩu trên thế giới. CJ chọn Cầu Tre để vừa củng cố vị thế trong nước vừa tận dụng thị trường xuất khẩu. Cầu Tre cũng là một trong những công ty thực phẩm lâu đời từ năm 1982 và đa dạng hóa nhiều sản phẩm xuất khẩu, thậm chí cả sản phẩm trà.

Công ty cũng đầu tư nhà máy chế biến khá hiện đại với các dòng sản phẩm thủy hải sản và nông sản được tiêu thụ rộng trên các hệ thống siêu thị và đại lý phân phối. Ngoài ra, sản phẩm của Cầu Tre được xuất qua nhiều thị trường thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Mỹ và Canada…

Tuy nhiên, Cầu Tre hiện cũng đang gặp một số khó khăn và tình hình kinh doanh không mấy suôn sẻ. Trong báo cáo thường niên năm 2015, Cầu Tre đạt 743 tỉ đồng doanh thu thuần. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 485 tỉ đồng. Dù vậy, hiệu quả kinh doanh vẫn khá thấp khi lợi nhuận trước thuế đạt hơn 8 tỉ đồng, tương ứng với tỉ suất lợi nhuận chỉ 1,1%. Tính đến quý II/2016, hoạt động của Công ty vẫn tiếp tục sa sút với doanh thu giảm nhẹ xuống 334 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế lại giảm mạnh còn 1,2 tỉ đồng, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Với việc mua cổ phần của Cầu Tre, CJ cũng sẽ đưa nhân sự vào Hội đồng Quản trị của công ty này. Cụ thể, cổ đông Transwell Enterprises Limited đã gửi thư đề cử ông Chang Bok Sang, ông Roh Woong Ho và ông Kim Jung Ho tham gia vào Hội đồng Quản trị của Cầu Tre.

Cuộc chiến giành thị phần trong lĩnh vực thực phẩm đang ngày càng quyết liệt không chỉ với đối tác ngoại mà ngay cả công ty lớn trong nước cũng đang tham gia sâu vào cuộc chơi và cũng củng cố sức mạnh bằng các cuộc mua bán - sáp nhập. Masan cũng đã hoàn thành mục tiêu khi vượt qua CJ trong thương vụ mua cổ phần Vissan. Trước đó, Masan Food đã mua 32,8% cổ phần Cholimex Food và mua 100% Công ty Thực phẩm dinh dưỡng Sài Gòn (Saigon Nutri Food), chuyên sản xuất xúc xích để cạnh tranh với các đối tác ngoại.

Đối thủ đáng gờm trên thị trường còn có C.P, vốn đã đầu tư chuỗi khép kín sản xuất thực phẩm rất mạnh. Đây là “ngoại binh” đang cùng với Vissan và Đức Việt chia nhau những miếng bánh lớn nhất của thị trường thực phẩm. C.P cũng chính là nguyên nhân khiến công ty sản xuất xúc xích Đức Việt thua lỗ trong vài năm qua tại miền Bắc.

Có thể thấy, sau hàng loạt các cuộc sáp nhập, ngành thực phẩm tại Việt Nam bước vào cuộc chiến với các công ty tiềm lực lớn như CJ, C.P, Masan…, định hình lại thị trường này ở một quy mô khác.

Mai Hân