|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vi phạm về hạn ngạch sản xuất dầu có thể khiến cuộc họp của OPEC+ bị trì hoãn

22:45 | 04/06/2020
Chia sẻ
Cuộc họp của OPEC và các đồng minh khó có thể diễn ra trong tuần này do Nga và Arab Saudi đang phải đưa ra các động thái cứng rắn đối với một số quốc gia vi phạm hạn ngạch sản xuất dầu.

Theo World Oil, hai quốc gia này cho biết họ sẽ không tổ chức cuộc họp nếu như các thành viên như Iraq và Nigeria không thực hiện kiềm chế sản lượng một cách nghiêm túc.

Nếu cuộc họp không diễn ra, lệnh cắt giảm nguồn cung sẽ từng bước bị loại bỏ. Giá dầu tại New York đã giảm 1,4% xuống còn 36,3 USD/thùng vào 6h55 ngày 3/6 giờ địa phương.

Bốn ngày qua, OPEC+ đã có ý kiến về việc đẩy cuộc họp trực tuyến sớm lên vài ngày, cụ thể là vào thứ năm (4/6). Cuộc họp này nhằm mục đích thảo luận về việc duy trì mức cắt sản lượng, tức là kéo dài thêm so với ngày 1/7 như đã ấn định trước đó.

Kéo dài thời gian hạn chế sản lượng

OPEC+ đã đạt được sự đồng thuận trong việc kéo dài thời gian giảm sản lượng thêm 1 tháng nữa. Điều này phụ thuộc lớn vào sự tuân thủ thỏa thuận nghiêm túc của các bên tham gia.

Không chỉ cuộc họp vào thứ Năm (4/6), Nga và Arab Saudi còn cho biết cuộc họp vào ngày 9-10/6 có thể cũng sẽ không diễn ra.

Arab Saudi từ lâu đã kêu gọi các thành viên cùng chia sẻ gánh nặng của việc giảm nguồn cung một cách công bằng. 

Nga, vốn là một nước bảo thủ theo các chính sách cũ, cũng đã thực hiện thỏa thuận cắt sản lượng và cũng sẽ đồng ý kéo dài thời gian cắt giảm nếu các nước tuân thủ nghiêm túc.

Không tuân thủ thỏa thuận

Iraq và Nigeria đã liên tục không tuân thủ các cam kết của OPEC trong 3 năm vừa qua. Lượng cắt sản lượng thực tế tháng trước của họ chỉ bằng một nửa so với yêu cầu. 

Hai quốc gia này cũng được yêu cầu phải sản xuất ít hơn so với hạn ngạch để bù lại cho sản lượng quá lớn của họ vào tháng 5 vừa qua.

Để phản ứng lại những sức ép bị đặt ra vào đầu tuần này (1/6), Bộ trưởng Tài chính và Thực thi Chính sách Dầu mỏ của Iraq, ông Ali Allawi, đưa ra thông báo trên Twitter rằng quốc gia này sẽ tuân thủ thỏa thuận: “Mặc dù Iraq đang gặp khó khăn về tài chính, chúng tôi đã giải quyết các vấn đề kĩ thuật và sẵn sàng kéo dài thời gian giảm sản lượng”.

Người đồng nghiệp của ông Allawi tại Nigeria, ông Timipre Sylva đã có động thái tương tự trên Instagram. 

Ông thừa nhận rằng quốc gia Tây Phi này chỉ thực hiện khoảng một nửa các khoản cắt giảm cam kết vào tháng 4, nhưng ông hứa rằng sản lượng dầu thô sẽ nằm trong hạn ngạch vào cuối tháng 6.

Thỏa thuận ban đầu được đưa ra vào tháng 4 khi nhu cầu dầu mỏ giảm mạnh do chịu tác động bởi  virus corona, mức giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu, trong tháng 5 và tháng 6. 

Arab Saudi, Kuwait và UAE sau đó đã tự nguyện cắt giảm thêm khoảng 1,2 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 6, nâng tổng lượng dầu được kiềm chế của OPEC+ lên thành 11 triệu thùng/ngày.

Theo thỏa thuận hiện tại của OPEC +, việc cắt nguồn cung được giảm xuống còn khoảng 7,7 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 7, sau đó là giảm dần vào đầu năm 2021.

Dan Eberhart, giám đốc điều hành của nhà thầu Canary cho rằng quyết định kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong cuộc họp của OPEC+ vào thứ Năm (4/6) chỉ là hình thức. Mức độ không tuân thủ thỏa thuận giảm sản lượng của nhiều nước sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Một cuộc khảo sát do Reuters công bố tuần trước cho thấy 13 nước thành viên trong khối OPEC đã bơm 24,77 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 5, giảm 5,91 triệu thùng so với tháng 4.

Khảo sát của Reuters cho thấy trong tháng 5, các quốc gia chỉ cắt giảm 4,48 triệu thùng mỗi ngày, với tỉ lệ tuân thủ là 74%.

H.Mĩ