|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì đâu xuất hiện nốt trầm trên thị trường xe điện châu Âu?

08:31 | 15/08/2024
Chia sẻ
Doanh số xe điện sụt giảm trên toàn cầu, nhưng đây có thể chỉ là giai đoạn chuyển tiếp. Với tiêu chuẩn khí thải mới tại châu Âu và sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc, các nhà sản xuất ô tô phương Tây đang đứng trước bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển xe điện.

Trong thời gian qua, các tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới đã trải qua đợt kiểm tra tài chính quý với các nhà đầu tư. Kết quả không mấy khả quan: Báo cáo tài chính cho thấy họ đang chịu tổn thất nặng nề. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này chính là xe điện (EV).

Theo tờ Politico EU, doanh số các mẫu xe điện đều sụt giảm ở phương Tây, bao gồm cả ở General Motors, Renault và "đại gia" Tesla. Tuy nhiên, đây không phải dấu hiệu của sự suy tàn, mà chỉ là một sự gián đoạn ngắn trước khi thị trường xe điện hồi sinh.

Riêng tại châu Âu, tiêu chuẩn khí thải mới sẽ có hiệu lực từ năm sau. Trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh, EU đã thông qua luật cấm bán xe động cơ đốt trong (ICE) mới từ năm 2035. Mặc dù luật này đang bị các nhà lập pháp cánh hữu phản đối, nhưng nó vẫn đặt ra các mốc quan trọng để các hãng xe điều chỉnh.

Mốc tiếp theo sẽ đến vào năm 2025, khi các nhà sản xuất ô tô phải giảm 15% lượng khí thải so với mức cơ sở năm 2021. Nếu không đạt được chỉ tiêu này vào cuối năm, các hãng xe sẽ bị phạt 95 euro cho mỗi gram CO2/km vượt quá mục tiêu đối với từng xe không đạt chuẩn bán ra tại EU.

 (Ảnh: IAEA).

Theo ông Pedro Pacheco, Phó Chủ tịch nghiên cứu ô tô tại công ty tư vấn Gartner, nhiều hãng xe dự kiến ra mắt các mẫu xe mới để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn.

Chẳng hạn, BMW sẽ tung ra mẫu SUV điện Neue Klasse - phiên bản điện hóa của X3 - vào năm sau và đã xây dựng nhà máy mới ở Hungary để sản xuất mẫu xe này. "Điều này sẽ dẫn đến sự đảo ngược tình thế", ông Pacheco nhận định.

Hoặc ít nhất là sự đảo ngược đối với các thương hiệu châu Âu nắm bắt cơ hội để điều chỉnh chiến lược xe điện của họ.

Theo ông Arun Kumar, đối tác tại bộ phận ô tô của AlixPartner, doanh số xe điện từ trước đến nay chủ yếu đến từ những người tiên phong sử dụng hay hâm mộ Tesla.

Thị trường cũng được thúc đẩy bởi đại dịch khi các lệnh phong tỏa hạn chế khả năng chi tiêu cho du lịch của người tiêu dùng. Thay vì đi du lịch, một số người đã đầu tư vào xe điện. Để duy trì doanh số bán hàng, các thương hiệu xe cần thuyết phục người tiêu dùng bình thường mua xe điện, nhưng ngành này chưa đạt đến điểm mà giá xe điện ngang bằng với xe ICE ở phương Tây.

"Để phổ biến xe điện, cần có những mẫu xe hấp dẫn, đặc biệt là ở phân khúc phổ thông", CEO Volkswagen Thomas Schäfer phát biểu hồi tháng 5, khi công bố chiến lược xe điện của thương hiệu Đức này. Thị trường ô tô không tránh khỏi những vấn đề kinh tế rộng lớn hơn như lạm phát và tăng trưởng GDP chậm, ảnh hưởng đến hành vi của khách hàng.

"Có tâm lý tiêu cực và điều đó đang ảnh hưởng đến xe điện", ông Kumar nói. Các vấn đề đặc thù của ngành như lo ngại về phạm vi hoạt động và thiếu cơ sở hạ tầng sạc điện cũng khiến người tiêu dùng e ngại, họ coi đây là những mối quan tâm hàng đầu khi chuyển sang xe điện trong một cuộc khảo sát toàn cầu của AlixPartners.

Tỷ lệ người tiêu dùng châu Âu trong cuộc khảo sát cho biết họ dự định xe tiếp theo của mình sẽ là xe điện hoàn toàn đã không thay đổi trong 3 năm qua, ở mức 43%. Trong khi đó, tỷ lệ người tiêu dùng Trung Quốc trả lời tích cực cho cùng câu hỏi đã tăng từ 85% lên 97% trong cùng kỳ nhờ vào mạng lưới sạc điện mạnh mẽ của nước này.

Nhưng ngay cả khi cơ sở hạ tầng được cải thiện, xe điện ở tất cả các thị trường có thể sẽ cho thấy mô hình chu kỳ tương tự như doanh số ô tô khác, ông Kumar nhận định.

"Quan niệm rằng chúng ta sẽ có một con đường thẳng tắp đến trạng thái cuối cùng cho xe điện - điều đó sẽ không xảy ra", ông nói. "Sẽ có những thị trường tăng trưởng trong vài năm, bạn đạt đến đỉnh điểm và sau đó rơi vào đáy."

 BYD đang là một trong những hãng xe điện bán chạy nhất châu Âu. (Ảnh: Euronews).

Nói cách khác, điều này luôn là điều tất yếu. Các mục tiêu khí thải của năm tới có thể giúp hồi sinh thị trường xe điện châu Âu, nhưng hình dạng của sự phục hồi có thể sẽ được quyết định bởi Trung Quốc. Các thương hiệu châu Âu hiện gặp khó khăn trong cạnh tranh vì họ chưa có những mẫu xe giá rẻ hơn hoặc những mẫu xe đáp ứng các tiêu chí về công nghệ ưu việt và trải nghiệm phần mềm tuyệt vời - hai lĩnh vực mà các thương hiệu Trung Quốc vượt trội.

"Nếu bạn rất giỏi về giá cả nhưng quên mất phần còn lại, bạn sẽ không bán được hàng", ông Pacheco nói. Theo nhà quan sát này, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn xe điện hoàn toàn trong phân khúc xe hạng sang, như BMW 7 Series hoặc Tesla Model S, nơi tỷ lệ thâm nhập của xe điện gần đạt 45%.

Nhưng các mẫu xe điện hoàn toàn với công nghệ cao lại thiếu vắng ở thị trường trung cấp, nơi giá xe gần 25.000 hoặc 30.000 euro cho một chiếc xe ICE. Và đó chính xác là những gì Trung Quốc có thể cung cấp. Lo ngại về mối đe dọa từ các mẫu xe Trung Quốc rẻ hơn, giàu công nghệ, các nhà quản lý ở Mỹ và châu Âu đã dựng lên những rào cản thương mại mới để tạm thời ngăn chặn sự mở rộng của chúng vào thị trường phương Tây.

Vào tháng 6, Ủy ban châu Âu đã công bố kết quả điều tra chống trợ cấp đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, áp dụng mức thuế cao hơn dự kiến lên tới 37,6% đối với các thương hiệu này, khiến một số hãng phải đối mặt với tổng thuế gần 50%.

Nhưng cạnh tranh gay gắt khiến các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc không dừng lại việc mở rộng, thay vào đó chuyển hướng nỗ lực sang "sân nhà" của họ. Nếu họ tạo được chỗ đứng đủ lớn ở các thị trường như Đông Nam Á, Ấn Độ và Australia, họ sẽ không cần phải gia nhập thị trường châu Âu hoặc Mỹ để cạnh tranh đáng kể với doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ô tô phương Tây. Điều đó cũng có nghĩa là các thương hiệu Trung Quốc đang thiết lập các tiêu chuẩn mới cho những gì người tiêu dùng mong đợi và mong muốn từ xe của họ.

"Thực tế là họ đang đổi mới nhanh hơn và thị trường đang tăng trưởng nhanh hơn cho phép họ đưa ra những điều mới", ông Kumar tại AlixPartners nói. "Vì vậy, họ đang định hình người tiêu dùng tương lai ở Trung Quốc và người tiêu dùng tương lai ở Mỹ hoặc châu Âu sẽ như thế nào."

Tiêu chuẩn khí thải mới của năm tới đánh dấu một bước ngoặt đối với các công ty ô tô châu Âu: Họ sẽ tập trung hoàn toàn vào xe điện hay tiếp tục đặt cược vào cả hai? Một số người như CEO Renault, ông Luca de Meo, nói rằng tương lai là xe điện nhưng các công ty cần thêm thời gian để điều chỉnh. Những người khác vẫn bám vào con đường trung dung, chia nguồn lực giữa các mẫu xe truyền thống, xe hybrid và xe điện.

"Khách hàng của chúng tôi sẽ tiếp tục có thể lựa chọn từ một loạt các mẫu xe động cơ đốt trong và hybrid mạnh mẽ, hiệu quả cũng như các mẫu xe điện trong tương lai", Giám đốc tài chính Porsche Lutz Meschke phát biểu tại buổi báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của công ty. 

Điều quan trọng là sự tồn tại cuối cùng của doanh nghiệp - một thực tế gần đây đã được CEO Stellantis Carlos Tavares thừa nhận. "Chúng tôi sẽ bị thách thức, và tôi sẽ nói là bị thách thức một cách tàn nhẫn bởi cuộc tấn công của Trung Quốc vào thị trường châu Âu", Tavares nói tại buổi giới thiệu dây chuyền nhà máy của hãng ở Serbia. "Chúng tôi đã sẵn sàng cho cuộc chiến."

Thành Vũ

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 07/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9.