|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì đâu chứng khoán Việt Nam lệch pha với Mỹ?

12:10 | 20/12/2023
Chia sẻ
Các chỉ số đại diện thị trường chứng khoán Mỹ liên tục bứt phá trong tháng 12, trong khi VN-Index diễn biến tiêu cực và rớt xuống dưới mốc 1.100 điểm gần đây. Lý do nào khiến hai thị trường này lệch pha?

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thường được đánh giá chịu ảnh hưởng trước các biến động của các TTCK lớn trên khu vực và thế giới. Giai đoạn 2020 - 2021, sự đồng pha với TTCK Mỹ được thể hiện rõ. Tương quan giữa hai thị trường cũng xuất hiện trong những khoảng thời gian ngắn. Gần đây nhất, khi đưa ra nhận định cho đà điều chỉnh của thị trường Việt Nam trong tháng 9 và 10, nhiều công ty chứng khoán và chuyên gia trong nước đồng thuận diễn biến có chịu ảnh hưởng bởi xu thế chung của các TTCK lớn trên thế giới, bao gồm Mỹ.

Tuy nhiên, xu hướng khác biệt đã xảy đến thấy rõ vào tháng 12, khi TTCK Mỹ, với đại diện là Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA) hay Nasdaq Composite đều bật tăng cao, tiến lên vùng đỉnh lịch sử. Trong khi đó, VN-Index lình xình quanh mốc 1.100 điểm trong tháng 12 và có 6 lần rơi xuống mốc này. Chỉ số đại diện TTCK Việt Nam kết phiên 19/12 tại 1.096 điểm. Diễn biến khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi về sự lệch pha đáng kể giữa hai thị trường. 

Diễn biến VN-Index từ đầu năm đến phiên sáng 20/12. Biểu đồ: TradingView.

Bốn lý do khiến chứng khoán Việt Nam lệch pha với Mỹ

Trước vấn đề này, ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Phân tích của CTCP FIDT đã đưa 4 lý giải.

Thứ nhất, TTCK tăng trưởng theo triển vọng kinh tế. Trong năm 2023, kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng, hiện dự báo tăng trưởng cả năm có thể đạt 2,4% - là mức cao đối với kinh tế Mỹ. Năm sau 2024, Mỹ đang được kỳ vọng "hạ cánh mềm", mức tăng trưởng trung bình theo dự phóng của 15 tổ chức phân tích lớn cho thấy có thể đạt khoảng 1,3%. Đây là mức tốt.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 không đạt như kỳ vọng đầu năm, hiện nay cả năm có thể chỉ khoảng 4,7%-5,0%. Đây là mức thấp hơn tiềm năng của Việt Nam. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự phóng tăng trưởng tốt hơn khoảng 6%.

Thứ hai, bức tranh lợi nhuận thị trường tạo ra qua thông số EPS cho thấy thu nhập các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam đang bị ảnh hưởng mạnh, trong khi đó S&P 500 của Mỹ vẫn khá khả quan. Theo dữ liệu từ Bloomberg, tính 12 tháng gần nhất, EPS của VN-Index đang âm gần 15% là mức thấp khi so với Mỹ và các thị trường lớn ở châu Á.

“Với bối cảnh lợi nhuận như vậy, rõ ràng VN-Index khó vượt trội hay so sánh với chứng khoán Mỹ được”, chuyên gia của FIDT đưa quan điểm.

Nguồn: FIDT.

Lý do thứ ba, TTCK Việt Nam đặc trưng với nhóm ngành chu kỳ, trong đó đại diện là ngân hàng và bất động sản chiếm tỷ trọng cao. Đây là hai nhóm ngành có tính chu kỳ mạnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi kinh tế tăng trưởng kém hay suy thoái.

Do đó, trong bối cảnh nhiều rủi ro như hiện nay, các nhóm ngành này thường giảm sâu và ở vùng định giá thấp, dẫn đến hiệu suất của VN-Index sẽ thấy hơn đáng kể so với các thị trường cân bằng hơn. Nếu phân tách theo nhóm ngành, nhiều cổ phiếu sản xuất, thương mại tốt của Việt Nam đã ở gần vùng đỉnh, thậm chí vượt.

Thứ tư là xu hướng dòng tiền. Khi Fed tăng lãi suất, đồng USD tăng giá cũng khiến dòng tiền dịch chuyển về Mỹ và thị trường đã ghi nhận xu hướng dòng tiền rút khỏi các thị trường mới nổi (EM) và trở về Mỹ khiến chứng khoán Mỹ được hỗ trợ bởi các dòng tiền này tốt hơn.

Ngoài ra, xu hướng dòng tiền đầu tư chủ động đang ưu thích các nhóm ngành công nghệ, đặc biệt là AI khiến cho thị trường Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và các thị trường ở Đông Á hút dòng tiền nhờ nhiều doanh nghiệp công nghệ niêm yết, trong khi Việt Nam lại không nhiều công ty công nghệ niêm yết.

“Đây là tình trạng chung của các thị trường mới nổi chứ không chỉ Việt Nam. Nếu so với cùng kỳ năm trước, VN-Index đang tăng 7,15% là vượt trội so với các thị trường như Trung Quốc (giảm 13,02%), Thái Lan (giảm 10,96%), Singapore (giảm 4,18%), Malaysia (tăng 0,4%) và chỉ kém 2 thị trường Ấn Độ (tăng 15,78%) nên thật ra VN-Index không quá tệ”, ông Phương nhận định.

Việt Nam đang tương đồng hơn với diễn biến TTCK khu vực châu Á

Khi hai thị trường Việt Mỹ lệch pha trong giai đoạn này, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Chứng khoán DSC cho rằng thị trường đang tương đối đồng pha với Trung Quốc và nhiều thị trường Đông Nam Á.

Thứ nhất, khi quan sát mẫu hình lớn, ông Huy nhận thấy có sự phân kỳ giữa các TTCK trên thế giới theo hướng tiêu cực cho châu Á. Tiền chảy mạnh về Mỹ và thị trường Mỹ hiện tại đang tích cực. Ở châu Á, Ấn Độ là thị trường có được sự nổi trội với kỳ vọng vào sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu trong 10 năm tới.

Giai đoạn từ khoảng tháng 11 đến nay (19/12), VN-Index có sự đồng pha với thị trường Hong Kong (Trung Quốc) (chỉ số HSI - đường màu cam), ngược với thị tường Mỹ (chỉ số S&P500 - đường xanh da trời) hay Nhật Bản (chỉ số NIK - đường xanh lá cây). Nguồn: Ông Bùi Văn Huy cung cấp.

Trong khi đó các thị trường châu Á, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và các thị trường có cấu trúc kinh tế tương tự đang rất kém. Trung Quốc và các thị trường châu Á trong thời gian qua liên tục bị rút vốn. Có những vấn đề chung nổi bật của các thị trường này là sự khó khăn của thị trường bất động sản, nợ xấu doanh nghiệp và cá nhân, nền sản suất suy yếu, tổng cầu đang khá yếu.

Thứ hai, nội tại trong nước dường như không được như kỳ vọng của khối ngoại. Tiếp nối sự phân kỳ châu Á nêu trên, Việt Nam có nhiều vấn đề tương tự. Bất động sản vẫn chưa phục hồi rõ rệt và nợ xấu bất động sản, trái phiếu, các sai phạm quá khứ liên quan đến ngành ngân hàng… là những vấn đề lớn không thể sớm giải quyết được.

Theo một số dữ liệu ông Huy thu thập, sản xuất, tiêu dùng, tổng cầu cũng đang rất yếu và phục hồi chậm. Vị chuyên gia dự đoán đến thời điểm những số liệu thống kê 2023 được công bố, tăng trưởng GDP quý IV sẽ vẫn trên đà phục hồi nhưng thấp hơn kỳ vọng.

Thứ ba là việc thiếu cơ hội đầu tư và định giá không hấp dẫn ở nhiều cổ phiếu trụ. Đà bán ròng vừa qua, theo ông Huy quan sát, nặng tính rút vốn khi xu hướng bán rất quyết liệt.

“Như nhiều bài phân tích gần đây, tỷ trọng ngân hàng, bất động sản xét về vốn hóa là quá lớn, nhìn về khối lượng giao dịch cũng như vậy. Ngân hàng thì tồn đọng nhiều vấn đề, đỉnh điểm của nợ xấu có thể đầu năm sau, nhưng con số chính xác và thực tế về nợ xấu cũng là một dấu hỏi và phải cần thời gian xử lý. Bất động sản như đã nói ở trên thì thiếu lựa chọn và chưa thấy sớm đà phục hồi. Nhiều nhóm cổ phiếu trụ liên quan đến các tập đoàn lớn thì đều gặp khó khăn nhất định. Một số nhóm có triển vọng tốt trong năm 2024 như chứng khoán, thép… thì giá đã không còn rẻ.”, chuyên gia của DSC chia sẻ.

Thứ tư là thiếu vắng một câu chuyện hay trong ngắn hạn. Nếu như kỳ vọng lớn cho chứng khoán toàn cầu là xu hướng hạ lãi suất, các thị trường châu Á có vẻ như đã dùng trước kỳ vọng này rồi. Việt Nam cũng đã hạ lãi suất 4 lần và gần như khó có dự địa để cắt giảm thêm nữa.

“Những câu chuyện như AI, bán dẫn, cổ phiếu công nghệ, Việt Nam cũng hoàn toàn không có. Nền kinh tế khỏe hơn và nhiều câu chuyện hay hơn được quan sát thấy ở những đầu cầu lớn như Mỹ, Ấn Độ, châu Âu. Có thể nói trong nhịp này, dường như Trung Quốc và vài thị trường lân cận đang rất yếu.”, ông Huy nhìn nhận. 

 

Xuân Nghĩa