Lý giải lệnh mua đột biến gần 1.700 tỷ đồng của khối tự doanh
Phiên gom gần 1.700 tỷ đồng của tự doanh qua giao dịch thỏa thuận
Dữ liệu công bố từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM cho thấy tự doanh CTCK trở lại rút ròng 98,3 tỷ đồng qua giao dịch khớp lệnh sau hai phiên khởi sắc cuối tuần trước. Giá trị được nâng lên ở cả hai chiều mua bán với giá trị lần lượt là 425,2 tỷ đồng và 523,4 tỷ đồng.
Riêng nhóm VN30 bị bán khớp lệnh hơn 158 tỷ đồng, tập trung vào các mã STB (93,4 tỷ đồng), VPB (38,7 tỷ đồng), HPG (11,8 tỷ đồng).
Ngược lại, khối này mua nhẹ FPT (8,7 tỷ đồng), VNM (3,4 tỷ đồng). Ngoài rổ VN30, cổ phiếu EIB là tâm điểm khi được gom hơn 87 tỷ đồng bằng. Tổng khối lượng giao dịch từ tự doanh gần 5 triệu đơn vị, bằng gần 30% thanh khoản.
Với giao dịch thỏa thuận, khối tự doanh mua đột biến 1.685,6 tỷ đồng trong khi chỉ bán nhẹ hơn 5 tỷ đồng. Chênh lệch hai chiều lên tới 1.681 tỷ đồng, đánh dấu mức cao nhất hai năm trở lại đây. Giao dịch đột biến từ khối tự doanh góp phần đẩy giá trị giao dịch thỏa thuận của sàn HOSE tăng lên gần 4.259 tỷ đồng với khối lượng gần 169 triệu đơn vị.
Lần gần đây nhất thị trường ghi nhận phiên mua ròng nghìn tỷ đồng của tự doanh vào ngày 8/11 với 1.074 tỷ đồng. Trong đó, gần 67% đến từ khớp lệnh, khác phiên hôm qua (18/12).
Trở lại với giao dịch thỏa thuận trên, tâm điểm là cổ phiếu rổ VN Diamond tại mức giá tham chiếu. Trong những phiên trước đó, thị trường cũng liên tục xuất hiện những giao dịch thỏa thuận nội khối ngoại các mã VN Diamond với tổng giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Trong phiên 18/12, hai bên tham gia giao dịch định danh tài khoản nhà đầu tư nước ngoài. Trong tình huống này, khả năng có thể xảy ra, bên mua là khối tự doanh của công ty chứng khoán ngoại và bên bán là quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ hoặc cá nhân nước ngoài.
Song, khả năng cá nhân tham gia giao dịch rất thấp bởi họ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Những cổ phiếu nào là tâm điểm?
Quan sát chi tiết theo từng mã, tự doanh nhận chuyển nhượng hơn 26 triệu cổ phiếu HDB của HDBank với số tiền chi ra 494,5 tỷ đồng. Kế đến là cổ phiếu MBB, có khối lượng 8,2 triệu cp, tương ứng giá trị 148,1 tỷ đồng. Trong ngày hôm qua, khối ngoại trao tay thỏa thuận tổng cộng hơn 24 triệu cổ phiếu MBB.
Cổ phiếu ngân hàng khác là CTG được mua hơn 7,3 triệu cp, tổng giá trị hơn 196 tỷ đồng.
Hai cổ phiếu FPT và PNJ có quy mô mua 329,1 tỷ đồng và 246,2 tỷ đồng.
Ngoài 5 mã trong rổ VN Diamond như trên, khối tự doanh còn mua thỏa thuận 4,76 triệu cổ phiếu CMG tại mức giá tham chiếu 39.000 đồng/cp. Lượng giao dịch tương đương hương 3% vốn của Tập đoàn Công nghệ CMC. Theo dõi diễn biến cho thấy không có tổ chức là cổ đông lớn công ty đăng ký bán ra trong giai đoạn này. Hiện khối ngoại nắm giữ 66,9 triệu cp, tương đương 44,43% vốn của CMG.
Hai mã khác được sang tay hàng triệu đơn vị là BCM và NHH. Trong khi BCM được mua tại mức giá sàn, NHH được chuyển nhượng tại mức giá trần.
Nguyên nhân có thể dẫn tới lệnh mua đột biến của khối tự doanh
Theo dõi giao dịch của khối ngoại, việc giao dịch thỏa thuận nội khối cổ phiếu VN Diamond thường xuyên diễn ra trong giai đoạn chuyển giao các quý, niên độ tài chính bởi giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Ở một số thời điểm, các tổ chức còn lựa chọn giao dịch ngoài sàn, chuyển nhượng thông qua VSDC với mức giá ngoài biên bộ.
Một lý do khác có thể đến từ việc chuyển nhượng nội bộ từ tập đoàn mẹ sang công ty chứng khoán thuộc hệ sinh thái đang hoạt động tại Việt Nam.
Đơn cử phiên 1/10/2021, thị trường từng ghi nhận giao dịch sang tay hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu bluechip tại mức giá sàn. Lý do là tổ chức đến từ Nhật Bản - Aizawa Securities chuyển giao toàn bộ hoạt động kinh doanh chứng khoán cho công ty con là Công ty TNHH Chứng khoán Nhật Bản (JSI).
Ở thời điểm hiện tại, một trường hợp tương tự đang xảy ra đó là việc thay đổi quyền sở hữu cổ phần của tại Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam từ Shinhan Investment Corp. sang công ty con Shinhan Securities Co. Ltd.
Tuy nhiên, đó chỉ là phỏng đoán dựa trên dữ liệu lịch sử và chưa có đơn vị nào phát đi thông báo.
Liên quan đến giao dịch cổ phiếu rổ VN Diamond, quỹ hoán đổi danh mục chỉ số này DCVFMVN Diamond liên tục bị khối ngoại rút quỹ trong thời gian gần đây. Tổng giá trị rút ròng trong nửa đầu tháng 12 gần 700 tỷ đồng. Ở thời điểm thành lập quỹ, đây là khẩu vị ưa thích của nhà đầu tư đến từ Thái Lan. Nhưng nhóm nhà đầu tư xứ Chùa Vàng được cho là đã góp phần gia tăng giá trị rút ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Động thái giao dịch từ các nhà đầu tư Thái Lan liên quan đến chính thuế mới sẽ được áp dụng vào đầu năm 2024. Thái Lan sẽ áp thuế thu nhập cá nhân với khoản đầu tư nước ngoài lũy tiến giống như thuế thu thập cá nhân của Việt Nam.