Cách người Thái đổ hàng tỷ USD vào chứng khoán Việt Nam
Nói về dòng vốn Thái Lan là phải nhắc đến những thương vụ thâu tóm đình đám như Sabeco, Nhựa Bình Minh, Nhựa Ngọc Nghĩa, các chuỗi bán lẻ Big C, Nguyễn Kim... Có thể nói rằng, người Thái khá am hiểu môi trường, văn hóa đầu tư và tiềm năng ở Việt Nam. Các doanh nghiệp của họ vươn lên vị trí dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt tại các ngành thế mạnh như F&B, tiêu dùng, bán lẻ và dần lấn sâu hơn vào mảng tài chính, năng lượng.
Không chỉ đầu tư và tham gia điều hành doanh nghiệp để rồi nhận về hàng chục nghìn tỷ đồng cổ tức trong những năm qua, những nhà đầu tư Thái Lan còn đẩy mạnh rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô tỷ USD. Quy mô dòng vốn từ Thái Lan có thể đem ra so sánh với các nhà đầu tư đến từ các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.
Theo dõi diễn biến dòng vốn trên thị trường, nhà đầu tư Thái Lan đẩy mạnh giải ngân vào Việt Nam kể từ năm 2018 và liên tục tăng quy mô những năm sau đó. Câu hỏi đặt ra ở đây là điều gì khiến thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn họ như vậy?
Trước tiên, cần phải nói rằng Thái Lan là một thị trường chứng khoán có độ mở cao. Dữ liệu từ đầu năm nay, khối ngoại chiếm hơn một nửa thanh khoản tại quốc gia này, lọt nhóm quốc gia có tỷ trọng giao dịch khối ngoại hàng đầu khu vực. Xét về quy mô, vốn hóa thị trường Thái Lan gấp đôi Việt Nam, đạt khoảng 486 tỷ USD.
Thị trường có độ mở ở cả hai chiều. Không chỉ giao dịch những sản phẩm truyền thống như cổ phiếu, chứng quyền, phái sinh, thị trường Thái Lan có nhiều sản phẩm để nhà đầu tư có thể gián tiếp chuyển vốn sang các thị trường khu vực hoặc trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, và cả Việt Nam.
Sự đa dạng không dừng lại ở đầu sản phẩm như quỹ hoán đổi danh mục (ETF), chứng chỉ lưu ký (DR), quỹ tương hỗ (mutual fund), quỹ đầu tư tư nhân (private fund), quỹ hưu trí mà còn thể hiện bằng số lượng quỹ với mỗi loại hình sản phẩm. Chẳng hạn, một công ty quản lý quỹ có thể phát triển hàng chục ETF, quỹ tương hỗ để nhà đầu tư có thể rót vốn vào các rổ chỉ số, ngành nghề nếu đánh giá thị trường chứng khoán Trung Quốc tiềm năng.
Chiều ngược lại, Thái Lan cũng mở cánh cửa để đón dòng vốn quốc tế. Khi bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, khối ngoại có thể lựa chọn rót vốn qua các ETF, quỹ tương hỗ, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Thành công khi áp dụng NVDR của Thái Lan được Việt Nam học tập để giải bài toán room ngoại nhưng hiện vẫn chỉ dừng lại ở khái niệm quy định trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020.
Với độ mở cao như vừa nêu, những công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ của Thái Lan khá “chiều lòng” nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với thị trường chứng khoán Việt Nam, những nhà quản lý quỹ xứ chùa vàng đều đánh giá mức độ rủi ro 6 điểm trên thang đo 8, nhưng vẫn có hàng chục đơn vị cung cấp sản phẩm để phục vụ nhu cầu đầu tư vào Việt Nam nhằm đa dạng hóa danh mục.
Việc đầu tư thông qua sản phẩm của công ty quản lý quỹ được các nhà phát triển truyền thông để nhà đầu tư Thái Lan hiểu được sự tiện lợi nhờ tiết kiệm được thời gian, quy trình đơn giản hơn rất nhiều so với việc mua nắm giữ trực tiếp chứng khoán tại Việt Nam.
Bởi vậy, chứng chỉ lưu ký của hai ETF nội là DCVFMVN30 và DVVFMVN Diamond được nhà đầu tư Thái Lan ưa chuộng và tăng trưởng nhanh sau khi ra mắt. Dù có dấu hiệu hạ nhiệt trong một năm trở lại đây nhưng quy mô vốn hóa của hai sản phẩm này vẫn đạt lần lượt 5,3 tỷ baht (3.700 tỷ đồng) và 6 tỷ baht (4.180 tỷ đồng). Song đây chỉ là bề nổi của dòng vốn từ Thái Lan.
Theo dữ liệu thống kê của người viết, gần 20 công ty chứng khoán, quản lý quỹ phát triển 40 quỹ đầu tư huy động vốn cho cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Những công ty quản lý quỹ hoạt động tích cực và có sự kết nối với thị trường Việt Nam có thể kể đến như Asset Plus, Kasikorn, Krungsri, Krugn Thai, Principal, SCB.
Đơn cử như Principal Asset Management, đơn vị này lập ra 8 quỹ đầu tư vào Việt Nam với chiến lược đầu tư khác nhau cho khách hàng lựa chọn. Song, như nói ở trên, không riêng Việt Nam, định hướng này cũng được áp dụng tại nhiều thị trường quốc tế khác. Điều này dẫn đến việc một công ty quản lý quỹ ở Thái Lan có để vận hành hàng trăm quỹ thành viên để phục vụ nhu cầu đầu tư trong nước và quốc tế.
10 công ty quản lý quỹ, quản lý tài sản hoạt động sôi động nhất với cổ phiếu Việt Nam đang vận hành khoảng 30 quỹ tương hỗ, quỹ đầu tư tư nhân với tổng tài sản quản lý gần 35 tỷ baht (24.370 tỷ đồng, 1 tỷ USD). Trong đó, quỹ quy mô trên 100 triệu USD có thể kể đến như K Vietnam Equity Fund, Principal Vietnam Equity Fund A, Private fund model VN Alpha – InnovestX, Krungsri Vietnam Equity Fund–A.
Các quỹ tương hỗ của Thái Lan có chiến lược đầu tư khá đa dạng, có thể rót vốn trực tiếp vào cổ phiếu Việt Nam, những ETF nội như DCVFMVN30, DCVFMVN Diamond, SSIAM VNFin Lead hoặc có thể là chứng chỉ quỹ của Lumen Vietnam Fund, Vietnam Equity (UCITS) Fund (VEF), Vietnam Holding, JPMorgan Vietnam Opportunities hay LionGlobal Vietnam Fund.
Tuy nhiên, việc một số bluechip lặng sóng khiến các quỹ tương hỗ tại Thái Lan có thành quả kém xa hai chứng chỉ lưu ký của hai ETF nội. Thậm chí, nhiều quỹ có mức sinh lợi đạt quanh 4% kể từ đầu năm, chỉ bằng nửa mức tăng của VN-Index. Ví dụ như quỹ lớn như K Vietnam Equity Fund, hiệu suất từ đầu năm chỉ đạt 3,27% khi phân bổ 1/3 tài sản vào nhóm tài chính ngân hàng, điển hình là các mã như VCB, ACB, FPT, HPG.
Kết quả đầu tư ra nước ngoài không mấy tích cực trong khi thị trường chứng khoán Thái Lan lao dốc, dòng tiền đã có hiện tượng rút ra tại một số quỹ để mua vào chứng khoán trong nước. Cùng với việc áp dụng chính sách thuế mới đầu năm 2024, đây là nguyên nhân khiến nhà đầu tư Thái Lan gia tăng áp lực rút ròng về cuối năm.
Theo dõi thêm về dòng tiền từ xứ chùa vàng, bên cạnh hai kênh phân bổ vốn điển hình trên, những tổ chức từ Thái Lan còn trực tiếp đầu tư vào các công ty niêm yết tại Việt Nam và trở thành cổ đông lớn. Có thể kể đến như Phillip Securities Public Company Limited tại TNG, Krungthai Zmico Securities Company Limited với TUG, The Ton Poh Thailand Fund tại SKG, HHS, CTD, SCS.