|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì đâu các siêu sao bóng đá có thu nhập ngày càng khủng?

11:04 | 21/11/2022
Chia sẻ
Tiến bộ công nghệ đang khiến cho những người giỏi nhất kiếm được ngày càng nhiều tiền. Khoảng cách về thu nhập đang ngày càng nới rộng khi quy mô của ngành công nghiệp, công ty hay đội bóng lớn dần lên.

Theo Bloomberg, nếu chỉ dựa vào trị giá đội bóng, Anh sẽ giành được World Cup sau khi đánh bại Bồ Đào Nha và Brazil. 

Không khó để đi đến kết luận này khi Anh đang sử dụng đội hình trị giá 1,3 tỷ USD. Đội tuyển quốc gia Anh đang là đội bóng giàu có nhất tại World Cup, được định giá gấp 80 lần chủ nhà Qatar. Nếu năng lực làm bàn của Anh tỷ lệ thuận với trị giá cầu thủ, thì nước này có thể hạ Iran trong trận mở màn với tỷ số 21-1.

Ngay cả khi có một đội tuyển nào đó sẵn sàng chi 166 triệu USD cho thần đồng người Pháp Kylian Mbappé, thì cũng khó có thể kỳ vọng cầu thủ này sẽ ghi được số bàn thắng gấp 1.600 lần người đồng nghiệp Garang Kuol ở đội tuyển Australia. Cầu thủ Garang Kuol đang được định giá khoảng 104.000 USD.

Cầu thủ đã không chỉ còn được định giá bằng khả năng chơi bóng. Công nghệ đang thúc đẩy sự bất bình đẳng trong một thế giới mà “người chiến thắng có tất cả” hiện nay.

Đội tuyển Anh đang được định giá cao nhất thế giới. 

Pelé của đội tuyển Brazil, một trong những cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất mọi thời đại, đã ra mắt trong kỳ World Cup 1958 ở Thụy Điển khi chỉ mới 17 tuổi. Vào năm 1960, câu lạc bộ Santos đã trả ông 150.000 USD/năm (tương đương khoảng 1,5 triệu USD ngày nay).

Tuy vậy, 1,5 triệu USD sẽ chỉ là mức lương trung bình vào năm 2022. Câu lạc bộ Paris Saint-Germain đã trả cho cầu thủ Mbappe 110 triệu USD mỗi năm. 

Ngay cả những ngôi sao đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp như Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo cũng kiếm từ 100 triệu USD/năm trở lên, bao gồm cả tiền tài trợ. Xét về năng lực bóng đá, khó có thể khẳng định rằng những ngôi sao này giỏi gấp 67 lần huyền thoại Pelé.

Bất bình đẳng gia tăng

Câu chuyện chênh lệch thu nhập không chỉ diễn ra ở lĩnh vực bóng đá. Vào năm 1981, nhà kinh tế học Sherwin Rosen của Đại học Chicago đã xuất bản một bài báo có tựa đề “Kinh tế học của các siêu sao”.

Ông Rosen lập luận rằng tiến bộ về công nghệ cho phép những tài năng được săn đón nhiều nhất trong bất kỳ ngành nghề nào có thể phục vụ một thị trường lớn hơn, từ đó kiếm được doanh thu lớn hơn. Đồng thời, tiến bộ công nghệ cũng làm giảm lợi ích của những cá nhân kém năng khiếu hơn trong lĩnh vực đó.

Huyền thoại Pelé chỉ kiếm được 1,5 triệu USD/năm bởi không có nhiều người có thể xem ông thi đấu. Vào năm 1958, Brazil chỉ có khoảng 350.000 chiếc tivi. Vệ tinh truyền hình đầu tiên, Telstar I, mãi đến tháng 7/1962 mới được phóng, quá muộn so với trận mở màn tại World Cup của huyền thoại này.

Ngược lại, vào năm 2022, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino dự đoán rằng 5 tỷ người sẽ xem các trận đấu ở Qatar. Con số này cao hơn 66% so với tổng dân số thế giới vào năm 1960.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở các môn thể thao khác. Năm 1990, bảng lương cao nhất trong Liên đoàn Bóng chày Mỹ thuộc về Kansas City Royals, ở mức 24 triệu USD. Năm nay, New York Mets đứng đầu danh sách với mức lương 287 triệu USD. 

Bất bình đẳng cũng đang nới rộng ra đáng kể. Trong khi Royals trả lương cao gấp 3 lần White Sox, đội tuyển rẻ nhất vào năm 1990, thì bảng lương của Mets gấp gần 6 lần so với Oakland A, đội có giá trị nằm ở cuối bảng.

Ngành công nghiệp âm nhạc cũng thể hiện xu hướng tương tự. Tiến bộ công nghệ đã thay thế các đĩa than và đài radio địa phương bằng iTunes và Spotify, giúp mở rộng khả năng tiếp cận của các ca sĩ hàng đầu, thúc đẩy toàn cầu hóa. Kết quả là các ban nhạc nổi tiếng nhất sẽ thu được ngày càng nhiều tiền hơn.

Hiện tượng BTS sẽ không thể xảy ra vào 20 năm trước. Hay nói đúng hơn, BTS sẽ chỉ là một nhóm nhạc nam Hàn Quốc nổi tiếng trong nước nếu hoạt động vào đầu thập niên 2000. Tuy vậy, vào năm ngoái, ban nhạc này đã biểu diễn tại Liên Hợp Quốc.

Trong cuốn “Rockonomics: Kinh tế học của âm nhạc đại chúng”, các nhà kinh tế học Alan Krueger và Marie Connolly đã quan sát rằng vào năm 1982, 1% nghệ sĩ đầu bảng chiếm 26% doanh thu từ các buổi hòa nhạc.

Đến năm 2003, thị phần doanh thu của những nghệ sĩ này đã tăng lên 56%. Để so sánh, vào năm 2003, 1% những người giàu có nhất của Mỹ chỉ chiếm 16% thu nhập quốc gia.

Và tất nhiên, xu hướng tương tự cũng đang diễn ra trong thế giới kinh doanh. Các nhà kinh tế Xavier Gabaix tại Đại học Harvard, Augustin Landier tại Đại học HEC Paris và Julien Savagnat của Đại học Bocconi, ước tính rằng việc các CEO được tăng lương nhanh chóng phản ánh quy mô ngày càng lớn của các tập đoàn.

Khoảng cách thu nhập bình quân giữa CEO và người lao động đang ngày càng được nới rộng.   

Thuê một vị CEO thuộc hàng “tốt nhất” có thể chỉ làm tăng nhẹ giá trị cổ phiếu của một công ty. Tuy nhiên, nếu vốn hóa của doanh nghiệp đó là 2.400 tỷ USD, thì tỷ lệ tăng “nhỏ” có thể là một số tiền khổng lồ.

Ông Gabaix và ông Landier đã nhận định trong một bài nghiên cứu trước đó: “Quy mô công ty tăng đáng kế dẫn đến tính kinh tế của các siêu sao, chuyển những khác biệt nhỏ về năng lực trở thành những chênh lệch rất lớn về lương”.

Thị trường bóng đá yêu cầu các đội tuyển đánh giá tài năng cầu thủ không phải trong một hoặc hai năm mà là trong suốt sự nghiệp. Mức giá của các cầu thủ như Ronaldo và Messi dường như bị ảnh hưởng lớn bởi sự hoài niệm.

Nếu chỉ được đo bằng tài năng bóng đá thuần túy, Mbappe nhiều khả năng sẽ không đáng giá 166 triệu USD. Có lẽ câu chuyện cuộc đời của anh ấy, lớn lên ở vùng ngoại ô Paris, có một sự thu hút với người hâm mộ tại thành phố này.

Với trị giá khoảng 78 triệu USD, tiền đạo người Argentina Lautaro Martinez đắt gấp 2,5 lần so với người đồng hương Paulo Dybala. Tuy vậy, từ đầu năm đến nay, anh chỉ ghi được 8 bàn cho Internazionale Milano so với 7 bàn của anh Dybala cho Roma.

Vì vậy, đội hình trị giá 1,3 tỷ USD có thể không mang được World Cup “về nhà” cho nước Anh. Câu lạc bộ đắt giá nhất thế giới là Manchester City vẫn chưa một lần vô địch Champions League (C1 Châu Âu).

Minh Quang