|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì cần tiền, tỉ phú 'liều ăn nhiều' có thể góp thêm nanh vuốt cho Apple

09:22 | 15/07/2020
Chia sẻ
Chiến lược kinh doanh độc đáo trong một thập niên đã giúp Xiaomi phá mọi kỉ lục để trở thành thương hiệu điện thoại thông minh lớn toàn cầu, với hệ sinh thái hơn 2.000 loại thiết bị.

Giới truyền thông đưa tin tập đoàn viễn thông Softbank của tỉ phú Masayoshi Son đang thảo luận khả năng bán công ty thiết kế chip ARM Holdings sau khi Apple quyết định bỏ chip Intel để sử dụng chip ARM cho máy tính Mac của họ. SoftBank mua ARM Holdings vào năm 2016.

WSJ khẳng định Tập đoàn Goldman Sachs đang tư vấn chiến lược bán ARM Holdings, với các hình thức bán toàn bộ, bán một phần hoặc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Bán ARM là một cách để Softbank trấn an các nhà đầu tư. Ban quản trị tập đoàn từng tiết lộ kế hoạch bán 41 tỷ USD tài sản để hỗ trợ các danh mục kinh doanh đang lao đao.

Vì cần tiền, tỉ phú 'liều ăn nhiều' có thể góp thêm nanh vuốt cho Apple - Ảnh 1.

Tỉ phú Masayoshi Son, người mang biệt danh "tỉ phú liều ăn nhiều". Ảnh: Economic Times

Trước đó, Softbank đã bán 20 tỷ USD cổ phần của họ trong T-Mobile Mỹ. Tập đoàn còn là cổ đông lớn của Alibaba (Trung Quốc) và một nhà phân phối điện thoại nổi tiếng tại Nhật.

Vụ mua lại ARM năm 2016 là thương vụ thâu tóm lớn nhất mà Softbank từng thực hiện. Masayoshi Son tuyên bố thương vụ sẽ giúp tập đoàn bắt kịp công nghệ mới bằng cách tận dụng tiềm năng của công nghệ vạn vật kết nối Internet (IoT).

Mấy hôm trước, ARM thông báo sẽ chuyển hai mảng dịch vụ IoT thành bộ phận độc lập do Softbank điều hành để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là chip bán dẫn.

Tin đồn Softbank muốn bán ARM Holdings xuất hiện chỉ vài tuần sau khi Apple thông báo tập đoàn sẽ phát triển chip xử lý riêng cho máy tính Mac sử dụng nền tảng ARM. Họ đã có cấp phép sử dụng kiến trúc ARM cho dòng chip xử lý A-series trên iPhone, iPad từ nhiều năm qua.

Nhờ tiềm lực tài chính và nguồn nhân lực dồi dào, Apple có thể thâu tóm ARM một cách dễ dàng để tự sản xuất chip.

Hồi tháng 6, François Piednoël, cựu kĩ sư trưởng của Intel, nhận định Apple sẽ vẫn duy trì hợp tác với Intel, nếu không nhận ra có quá nhiều vấn đề trong chất lượng chip Skylake của Intel.

"Không chỉ là vấn đề kiểm soát chất lượng. Chip của Intel thật tồi tệ. Chúng tôi đã nhận được quá nhiều phản hồi về những lỗi nhỏ nhặt bên trong Skylake. Về cơ bản, đối tác Apple vô tình trở thành người chơi trong cuộc chơi xổ số đầy may rủi, trước những vấn đề trong kiến trúc chip", ông Piednoël nói trong một buổi trò chuyện trực tuyến trên Xplane.

Và tình hình ngày càng trở nên tồi tệ. Theo Piednoël, bước ngoặt đầu tiên đánh dấu việc Apple ngừng sử dụng chip xử lí Intel trong máy Mac của họ đã xảy ra từ hơn 3 năm về trước, với thế hệ chip xử lí Skylake.

"Đó là lí do tại sao đội ngũ của Apple quyết tâm chuyển đổi cả về kĩ thuật lẫn sản xuất sang kiến trúc ARM cho hệ sinh thái Mac. Apple đã phải thực sự rất ghét Skylake", ông Piednoël bình luận.

Chí Quân