|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Phạm Thế Anh: Kinh tế tăng trưởng tốt nhưng không hoàn toàn là màu hồng

17:51 | 10/10/2019
Chia sẻ
VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quí IV là 7,26% và cả năm 2019 đạt 7,05%. TS. Phạm Thế Anh nhận định: "Chúng ta rất vui mừng với con số tăng trưởng nhưng nó không hoàn toàn là bức tranh màu hồng và tồn tại những rủi ro trong thời gian tới".

Nền kinh tế tăng trưởng tốt nhưng không hoàn toàn là màu hồng

Sáng 10/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức toạ đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quí III/2019. Điểm lại tình hình vĩ mô, VEPR dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong quý III/2019 ở mức 7,31% và 6,98% trong 9 tháng đầu năm.

Trong đó, tăng trưởng của khu vực dịch vụ đạt 6,85% so với cùng kì. Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu 2,02% do nhiều yếu tố bất lợi xuất hiện như dịch tả lợn Châu Phi, tác động của biến đổi khí hậu và các thị trường nhập khẩu nông sản chính đều bị suy giảm sức mua.

Động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm là khu vực công nghiệp – xây dựng, tăng 9,56%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu tăng 11,37%, đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào kinh tế chung; ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,68%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm.

photo-1

Toàn cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: QH)

Mặc dù ghi nhận những kết quả tích cực nhưng VEPR cũng đưa ra một số điểm lưu ý trong kết quả tăng trưởng quí III.

VEPR: Chất lượng tăng trưởng kinh tế kém đi trong 9 tháng đầu năm - Ảnh 2.

PGS. TS Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế trưởng VEPR (Ảnh: QH)

Chia sẻ tại hội thảo, PGS. TS Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế trưởng VEPR cho biết, lí do khiến tăng trưởng 9 tháng bằng so với cùng kì năm ngoái nhờ tăng trưởng công nghiệp cao hơn bù đắp sụt giảm của ngành nông nghiệp. Hầu hết ngành công nghiệp sản xuất giữ nguyên hoặc sụt giảm không đáng kế, trong khi đó ngành khai khoáng tăng vọt, cụ thể là than đá. 

Do tăng trưởng phụ thuộc vào khai thác tài nguyên hiện, Việt Nam phải gánh chịu hậu quả từ ô nhiễm môi trường như ô nhiễm không khí thời gian gần đây.

"Chúng ta rất vui mừng với con số tăng trưởng nhưng nó không hoàn toàn là bức tranh màu hồng và tồn tại những rủi ro trong thời gian tới", TS. Phạm Thế Anh nhận định.

Viện dẫn cho nhận định trên, PGS. TS Phạm Thế Anh cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã suy giảm trong quí III và kết thúc tại 50,5 điểm vào cuối tháng 9, mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng thấp nhất trong 3 năm và doanh thu bán hàng tại nước ngoài giảm nhẹ do lo ngại về nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, chỉ số tồn kho bình quân tăng cao từ năm 2018, lên tới 17,2%. Tiềm ẩn rủi ro về đình trệ sản xuất tạm thời và doanh nghiệp thu hẹp qui mô sản xuất.

Tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 có thể đạt 7,05%

Với mức tăng trưởng đạt 7,31% của quí III, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,6% - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi. Dự báo tăng trưởng quí IV là 7,26% và cả năm 2019 đạt 7,05%.

Tuy nhiên, VEPR cũng đưa ra một số điểm lưu ý trong những tháng cuối năm. Theo đó, trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Nhật Bản - Hàn Quốc ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, giá trị đồng tiền mạnh và tài sản.

CPI bình quân quí III/2019 là 2,23%, trong 9 tháng là 2,5% nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao bởi giá lương thực, thực phẩm tăng do bệnh dịch, giá hàng giáo dục tăng và giá năng lượng biến động không ngừng.

Bên cạnh đó, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong cuối năm 2019 trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới

Ngoài ra, biệc Việt Nam trở thành 1 trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ trong quí III, lượng dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng tới hơn 71 tỉ USD đã đưa Việt Nam tới gần cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ. 

Vì vậy, NHNN cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và khách quan. Việc hạ thấp giá trị của đồng VND để tăng cường thương mại sẽ là điều không nên làm trong thời điểm này

Quốc Thụy