World Bank nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam 2017 lên 6,7%
Nợ World Bank của Việt Nam tăng 11,5 lần | |
Chuyên gia WB: 'Tăng trưởng tín dụng 18% của Việt Nam quá cao!' |
Tăng trưởng của Việt Nam 2017 dự kiến đạt được 6,7%
Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Công bố báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (World Bank)tổ chức sáng ngày 11/12.
Công bố báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam của World Bank (ảnh: Thu Hà) |
Theo World Bank, sức cầu trong nước đã mạnh hơn, ngành chế biến, chế tạo hướng đến xuất khẩu đạt kết quả tốt, ngành nông nghiệp đang từng bước phục hồi, là các yếu tố tạo động lực mới cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,4% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Ngành chế biến chế tạo và dịch vụ lần lượt tăng trưởng 7,3% và 12,8% so với cùng kỳ.
Ngành chế biến, chế tạo hướng đến xuất khẩu (Nguồn: World Bank) |
World Bank dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt được 6,7% trong năm nay. Về trung hạn, tăng trưởng được dự báo ổn định ở mức 6,5%, lạm phát dự kiến vẫn ở mức thấp.
World Bank nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong 2017, 2018 và 2019 (nguồn: World Bank) |
Trước đó, theo Báo cáo cập nhật Kinh tế khu vực Đông Á, Thái Bình Dương tháng 10/2017 của World Bank, kinh tế Việt Nam năm nay vẫn tiếp đà tăng trưởng ở mức khoảng 6,3% nhờ các ngành chế biến, chế tạo hướng đến xuất khẩu và nhu cầu trong nước tăng mạnh. Con số này vẫn thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 6,7% mà Chính phủ đang phấn đấu thực hiện.
Về trung hạn, World Bank nhận định tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định quanh mức 6,4% trong giai đoạn 2018–2019 đi kèm với ổn định kinh tế vĩ mô nói chung, thấp hơn báo cáo ngày hôm nay 0,1 điểm phần trăm.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc World Bank cho biết, tốc độ tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn được đẩy mạnh và thương mại toàn cầu đang hồi phục trong năm 2017. Nguyên nhân là thu nhập tăng lên và tỷ lệ nghèo giảm xuống. Theo đó, kinh tế Việt Nam có thêm một năm khởi sắc với tăng trưởng cao và kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định.
Lạm phát thấp và mức lương thực tế tăng giúp duy trì sức cầu trong nước và tiêu dùng ở mức cao. Đồng thời, kinh tế toàn cầu khởi sắc cùng trợ lực cho ngành nông nghiệp, các ngành chế tạo định hướng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc làm tại Việt Nam đã tăng với 1,6 triệu việc làm được tạo ra ở các khu vực công nghiệp chế biến chế tạo trong 3 năm qua. Các khu vực khác như ngành xây dựng, bán lẻ, dịch vụ cũng góp 700.000 việc làm mới. Nhu cầu lao động tăng làm cho tốc độ lương tăng nhanh với mức 15% từ năm 2014 – 2016.
Số lượng nợ xấu cần xử lý còn rất lớn
World Bank cho biết, ngành ngân hàng Việt Nam đã có một số tiến bộ nhất định trong việc xử lý nợ xấu đặc biệt là sự ra đời của Nghị quyết số 42 của Quốc hội, đã góp phần củng cố khuân khổ pháp lý để thúc đẩy xử lý nợ xấu tốt hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro như số lượng nợ xấu còn rất lớn, vùng đệm về vốn chưa được ‘dày’ trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng cao...
Liên quan đến áp lực tài khóa, World Bank cho biết, ba quý năm nay thâm hụt tài khóa thấp hơn 2% GDP phản ánh Chính phủ đang đi đúng hướng cho việc đạt được chỉ tiêu chính sách tài khóa năm nay.
Tái cơ cấu đầu tư công chậm
Tuy nhiên, vấn đề cắt giảm đầu tư công xuống còn 16% tổng chi trong 6 tháng đầu năm 2017 khiến cho World Bank lo ngại sẽ ảnh hưởng về dài hạn khi Việt Nam vẫn cần nhiều đầu tư cho hạ tầng.
Ngoài ra, cải cách cơ cấu đầu tư công chậm cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi hiện nay, nhất là khi tốc độ tăng đầu tư đang yếu đi. Theo World Bank, tăng khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu là hướng đi để nâng cao tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn.
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank cho biết cải cách cơ cấu vẫn là ưu tiên trọng tâm của Việt Nam trong điều kiện tăng trưởng năng suất chưa cao. Theo ông, trên cơ sở những tiến triển đạt được, Việt Nam có thể tiếp tục nâng tốc độ tăng năng suất qua đầu tư vào kỹ năng và hạ tầng cần có, đồng thời tăng cường chiều sâu cải cách về môi trường kinh doanh, khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.