|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VDSC: Vĩnh Hoàn có thể đạt lợi nhuận 233 tỷ đồng trong quý III, tăng 33%

11:37 | 03/10/2021
Chia sẻ
VDSC dự phóng cả doanh thu và lợi nhuận quý III của Vĩnh Hoàn đều tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu mảng cá tra phi lê (vốn đóng góp trên 67% tổng doanh thu) tăng mạnh nhờ giá bán trung bình và sản lượng phục hồi.
Vĩnh Hoàn - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Vĩnh Hoàn).

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa dự phóng kết quả kinh doanh quý III/2021 của CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) với doanh thu 2.249 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 233 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó doanh thu mảng cá tra phi lê tăng mạnh 30% so với cùng kỳ, nhờ giá bán trung bình phục hồi 24% trong khi sản lượng chỉ tăng khoảng 5% do ảnh hưởng của giãn cách xã hội.

Trước đó Vĩnh Hoàn đã công bố tổng doanh thu tháng 7 và 8 là 1.470 tỷ đồng, như vậy trong tháng 9, Vĩnh Hoàn có thể ghi nhận doanh thu khoảng 779 tỷ đồng.

Vĩnh Hoàn - Ảnh 2.

Giá bán cao sẽ bù đắp cho chi phí hoạt động tăng mạnh

Dự phóng cho cả năm, doanh thu của Vĩnh Hoàn sẽ ở mức 8.771 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 872 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 24% so với kết quả năm ngoái.

Biên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn được kỳ vọng sẽ tăng lên 19,1% (tăng 4,91 điểm %) nhờ sản lượng và giá bán bình quân cá tra phi lê tăng lần lượt 9% và 11%, bù đắp cho chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 132%.

Về mặt xuất khẩu, cá tra phi lê của Vĩnh Hoàn được dự đoán sẽ ít bị ảnh hưởng bởi việc giảm công suất hơn so với các công ty nhỏ, vì lượng tồn kho phi lê của công ty ước tính đủ cho xuất khẩu trong hai tháng tới.

Nhìn chung trong hai quý cuối năm, VDSC dự báo sản lượng xuất khẩu cá phi lê sẽ giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ xuống còn 41.310 tấn. Cả năm, con số này có thể sẽ tăng 9% lên 81.610 tấn.

Sản lượng xuất khẩu dự báo giảm trong khi giá bán phi lê dự tăng trưởng sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của công ty tăng 21%.

Theo các chuyên gia, giá cá tra phi lê đang có xu hướng đi lên và tăng 31% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm do nhu cầu mạnh lên vào cuối năm, đặc biệt tại thị trường Mỹ và nguồn cung phi lê thiếu hụt.

Ngược lại, chi phí logistics sẽ tiếp tục leo thang trong hai quý cuối và tăng 164% so với cùng kỳ. Do đó các nhà phân tích dự báo chi phí bán hàng quản lý doanh nghiệp của Vĩnh Hoàn sẽ tăng 169% và tăng 132% cho cả năm.

Chi phí vốn của Vĩnh Hoàn ở mức cao giai đoạn 2021 - 2023

Năm 2021, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu thực hiện ba dự án mới với 100% vốn tự có bao gồm Nhà máy sản xuất cá giống (200 tỷ đồng), Nhà máy thức ăn cá (500 tỷ đồng) và Khu phức hợp nuôi trồng (1.200 tỷ đồng), trong đó dự án thứ ba được xem là chiến lược dài hạn hướng tới ngành FMCG (hàng tiêu dùng nhanh).

VDSC: Vĩnh Hoàn có thể đạt lợi nhuận 233 tỷ đồng quý III, tăng 33% - Ảnh 4.

Phối cảnh dự án Nhà máy Feed One tại tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh minh họa: Tổng thầu SOL E&C).

Chi phí vốn (CapPex) của các dự án trên được dự báo hiện tại với 600 tỷ đồng năm nay, 900 tỷ đồng năm sau và 400 tỷ đồng vào năm 2023.

Cụ thể, Vĩnh Hoàn sẽ quay lại ngành thức ăn chăn nuôi sau khi rời khỏi từ năm 2014 với nhà máy "Feed One" công suất 350.000 tấn/năm đang được xây dựng tại tỉnh Đồng Tháp, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2022 và hòa vốn sau ba năm. 

Theo quan điểm của VDSC, mục tiêu của Feed One là nâng cao chất lượng cá nguyên liệu bằng cách phát triển công thức thức ăn riêng và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Do đó, Feed One sẽ giúp giảm chi phí cá nguyên liệu tự nuôi 3% từ cuối năm 2022.

Ngoài ra, Khu liên hợp nuôi trồng thủy sản - trái cây sẽ là dự án lớn nhất của Vĩnh Hoàn trong dài hạn. Trang trại trái cây hiện đang trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ và theo VDSC mảng này sẽ không đóng góp vào doanh thu cho Vĩnh Hoàn trong năm nay.

Minh Hằng