|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VDSC: Việt Nam khó có thể kỳ vọng vào sự phục hồi của Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại

15:36 | 18/05/2023
Chia sẻ
VDSC cho rằng hoạt động xuất khẩu trong ngắn hạn sẽ không có nhiều thay đổi.

Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn chưa có nhiều thay đổi dựa trên nhiều lý do.

Thứ nhất, chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 4/2023 tiếp tục giảm chỉ còn 46,7 điểm trong khi nhập khẩu nguyên vật liệu tiếp tục giảm.

Thứ hai, sự sụt giảm nhập khẩu của Trung Quốc cho thấy Việt Nam khó có thể kỳ vọng dựa vào sự phục hồi của Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại.

Thứ ba, thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ và EU đang trong vùng nguy cơ của suy giảm tăng trưởng.

 

 

 

 

Theo khối phân tích, điểm sáng là chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ đã có dấu hiệu dừng lại, khả năng cao là Fed sẽ dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6/2023.

Ngoài ra, cán cân thương mại thặng dư đang hỗ trợ tích cực cho việc tích lũy ngoại tệ của NHNN, từ đầu năm đến nay NHNN đã mua vào hơn 6 tỷ $, đưa dự trữ ngoại hối lên khoảng 90 tỷ USD. Việc bộ đệm dự trữ ngoại hối phục hồi là chỉ báo tích cực đối với diễn biến tỷ giá, giúp nền kinh tế có thể ứng phó với rủi ro khó lường từ thị trường quốc tế. 

VDSC nhấn mạnh s phục hồi trong tháng trước chỉ là tạm thời. 

Trong tháng 4/2023, mức độ sụt giảm của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may hay điện tử không thay đổi nhiều so với tháng 3, tuy nhiên, các mặt hàng còn lại có xu hướng giảm mạnh hơn.

Cụ thể, xuất khẩu hàng điện tử giảm 22,1%, xuất khẩu hàng dệt may, giày dép, túi xách giảm 15,6%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 32,0% và sắt thép giảm 19,1%.

Luỹ kế 4 tháng đầu năm, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ là giảm mạnh nhất (-30,6% so với cùng kỳ), tiếp theo là sắt thép và dệt may (giảm lần lượt 20,2% và 18,1% so với cùng kỳ), theo sau là xuất khẩu nông lâm nghiệp thuỷ sản (-15,3%) và hàng điện tử (-13,8%).

Xét theo thị trường xuất khẩu, thị trường Mỹ vẫn là thị trường yếu nhất với mức giảm 21,6% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang châu Âu và Trung Quốc có mức giảm lần lượt là 11,1% và 13,1% so với cùng kỳ. Tình hình xuất khẩu sang các thị trường châu Á nhìn chung bớt xấu hơn, xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm 9,6% so với cùng kỳ, sang ASEAN và Nhật Bản lần lượt giảm 3,9% và 0,8% so với cùng kỳ.

Diễn biến hoạt động nhập khẩu yếu đi đáng kể so với tháng trước. Cụ thể, nhập khẩu nguyên vật liệu hàng điện tử giảm 28,9% so với cùng kỳ, dệt may giảm 20,8% và máy móc thiết bị giảm 14,6%. Sự hồi phục của xu hướng nhập khẩu nguyên vật liệu trong tháng 3 chỉ là tạm thời và tiếp tục giảm mạnh trong tháng 4.

 

Về thị trường nhập khẩu, nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc giảm 16,0% so với cùng kỳ trong 4T2023. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hoá từ thị trường ASEAN và Hàn Quốc tiếp tục giảm lần lượt 17,6% và 28,7% so với cùng kỳ.

 

Hồng Hà