|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

MBKE: Thất nghiệp chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xuất khẩu tại các doanh nghiệp FDI

16:27 | 16/05/2023
Chia sẻ
MBKE cho hay tình trạng thất nghiệp tập trung ở ngành dệt may, điện tử tiêu dùng, giày dép và các ngành tập trung xuất khẩu khác.

Trong báo cáo vừa công bố, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) đề cập đến vấn đề các công ty sản xuất cắt giảm nhân sự và thất nghiệp chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xuất khẩu tại các công ty nước ngoài.

"Các công ty sản xuất đã sa thải hàng nghìn việc làm do nhu cầu yếu. Khoảng 149.000 lao động đã mất việc trong quý I/2023, tăng hơn 30.000 so với quý trước. Thất nghiệp tập trung ở ngành dệt may, điện tử tiêu dùng, giày dép và các ngành tập trung xuất khẩu khác", các chuyên gia của MBKE cho hay.

Báo cáo cũng cho biết tính đến 1/4/2023, số lượng lao động trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã giảm 3,5% so với cùng kỳ. Số lượng lao động trong lĩnh vực sản xuất đã giảm 3,7%, mặc dù tăng 0,8% so với tháng trước. Người lao động tại các doanh nghiệp vốn FDI (-4,1% so với cùng kỳ) phải chịu gánh nặng mất việc làm nhiều nhất so với các doanh nghiệp nhà nước (-1,3% so với cùng kỳ) và doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Mới đây, doanh nghiệp có đông công nhân nhất TP HCM - Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cho biết sẽ cắt giảm 5.744 người có hợp đồng không xác định thời hạn, tương đương 10% tổng số 50.500 lao động. Trước đó, vào tháng 2 vừa qua, công ty này cũng đã cắt giảm hơn 2.300 lao động.

Tình trạng cắt giảm lao động cũng đã được Tổng cục Thống kê đề cập đến trong báo cáo việc làm quý I.  

 

Theo cơ quan thống kê, tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV năm 2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý I năm 2023, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Cụ thể, theo báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý I năm nay là gần 294.000 người, giảm 2.000 người so với quý trước, trong đó đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 83,8%), tập trung chủ yếu ở ngành da giày với 44,2%, tiếp theo là dệt may với 18,8%.

Số lao động nghỉ giãn việc chủ yếu tập trung ở một số tỉnh như Bắc Giang (16.000 người), Hải Dương (9.800 người), Ninh Bình (19.700 người), Thanh Hóa (62.400 người), Nghệ An (12.600 người), Tây Ninh (khoảng 21.800 người), Bình Dương (khoảng 36.400 người), Đồng Nai (khoảng 35.000 người), TP HCM (khoảng 19.800 người), Tiền Giang (khoảng 11.500 người), Vĩnh Long (khoảng 13.200 người).

Các lao động mất việc tập trung đa số (55,2%) ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử và chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai (khoảng gần 32.600 người), Bình Dương (khoảng gần 21.700 người), Bắc Ninh (14.000 người), Bắc Giang (khoảng 7.700 người).

Ngoài ra, tại một số địa phương như TP HCM, Vũng Tàu, Bình Phước, Nghệ An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên,…, số lao động có việc làm có xu hướng giảm so với quý IV năm 2022. Cụ thể, số lao động có việc làm ở TP HCM giảm 0,4%, Vũng Tàu giảm 2,6%, Bình Phước giảm gần 4,0%, Nghệ An giảm 5,5%, Bắc Giang giảm 4,5%, Bắc Ninh giảm 0,9%, Thái Nguyên giảm 2,2%, điều này làm giảm đà phục hồi của thị trường lao động nói chung.   

Hồng Hà