Chuyên gia chỉ ra hai đối thủ lớn nhất trong thu hút đầu tư FDI của Việt Nam
Chia sẻ về vấn đề thu hút FDI của Việt Nam tại Hội thảo "Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng" diễn ra sáng 15/5, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho hay, gần đây, Trung Quốc có sự thay đổi rất lớn về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài khi ưu tiên phát triển doanh nghiệp trong nước.
Điều này khiến cho sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Trung Quốc không còn lớn như trước, song lại nổi lên hai quốc gia có thể coi là đối thủ đáng gờm của Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI.
"Đối thủ" đầu tiên được GS Mại chỉ ra là Ấn Độ. Tháng 4 vừa qua, Ấn Độ đã trở thành quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, đây cũng là nơi có khu công nghệ cao, làm dịch vụ outsourcing lớn nhất thế giới. Quốc gia này cũng sở hữu nguồn nhân lực cao mà giá rẻ hơn Việt Nam. Hiện nay, lương bình quân của lao động tại Ấn Độ chỉ bằng khoảng 60% so với lao động tại Việt Nam.
"Đặc biệt, Chính phủ Ấn Độ cũng rất năng động cho kêu gọi và thu hút đầu tư, năm nào Thủ tướng Ấn Độ cũng bay ít nhất 4 chuyến bay để vận động đầu tư", GS. Nguyễn Mại thông tin.
Theo ông, trong cuộc dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, Ấn Độ cũng đón đầu bằng việc tuyên bố dành tất cả lợi thế về: Đất đai, ưu đãi thuế, chính sách, tài trợ cho các nhà đầu tư để thu hút top 500 doanh nghiệp FDI lớn nhất vào nước này.
Thứ hai là một đối thủ cạnh tranh rất lớn trong ASEAN đó là Indonesia. Tổng thống Indonesia đã tuyên bố dành 5 lô đất lớn để đón các nhà đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc sang quốc gia này.
Bên cạnh đó, các dự án có số vốn trên 70 triệu USD, sử dụng trên 300 lao động thì sẽ đẩy nhanh việc cấp phép đầu tư chỉ trong vòng một tuần.
GS. Nguyễn Mại nhận định, nếu Việt Nam không coi Ấn Độ và Indonesia như hai đối tác, đối thủ chính để vừa hợp tác vừa cạnh tranh thì sẽ là một thách thức rất lớn.
Xu hướng đầu tư FDI đang ngày càng thu hẹp
Dự báo về tình hình đầu tư quốc tế năm 2023, GS. Nguyễn Mại cho rằng, đầu tư ra nước ngoài trong năm nay sẽ đi ngang hoặc sụt giảm do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng là xu hướng hạn chế đầu tư ra nước ngoài.
Các quốc gia như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều hạn chế đầu tư ra nước ngoài. Chính phủ Hàn Quốc gần đây đã có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc chuyển dịch về trong nước. Chính phủ Nhật Bản cũng dành tới hai tỷ USD khuyến khích các doanh nghiệp của họ chuyển về nước, GS. Mại thông tin.
Nếu Việt Nam không có thông tin chiến lược phát triển đầu tư FDI, đặc biệt là chiến lược của các doanh nghiệp toàn cầu đã và đang có ý định đầu tư vào Việt Nam thì rất khó để thu hút đầu tư.
Kể cả với các doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam, trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu, bao giờ các nhà đầu tư cũng điều chỉnh chiến lược. "Nếu chúng ta không tìm hiểu thông tin về họ, không chịu thay đổi thì khó có thể thực hiện được các mục tiêu thu hút FDI đã đề ra", GS. Mại cho hay.
Với thách thức trong nước, theo GS. Mại các tổ chức và nhà đầu tư quốc tế đánh giá khá cao môi trường đầu tư của Việt Nam nhưng phải tự nhận thấy còn nhiều điểm chưa tích cực như chính sách còn chậm, thủ tục còn phức tạp.
"Điển hình như, vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, vấn đề này đã được đưa ra cách đây hơn một năm nhưng vẫn làm rất chậm. Đến nay chỉ còn 8 tháng là áp dụng biểu thuế này nên không biết có làm kịp không", chuyên gia bày tỏ băn khoăn.
Nếu không làm kịp cơ chế chính sách trước khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ 1/1/2024 sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, mất đi cơ hội rất lớn lên đến hàng tỷ USD mỗi năm.
Thứ hai là cải cách thủ tục hành chính, đây là vấn đề đã được nhắc đến từ lâu và cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ. Nếu chúng ta không đơn giản được các thủ tục hành chính và cắt giảm các giấy phép con thì môi trường đầu tư của Việt Nam không thể phát triển.
Một điểm nữa theo GS. Mại cần cải thiện là khả năng thích ứng của Chính phủ đối với các biến động trên toàn cầu.
"Các doanh nghiệp kỳ vọng là khả năng phản ứng, bắt kịp và đối phó với các biến động trong môi trường kinh tế vĩ mô hiện nay. Tốc độ phản ứng chính sách cần kịp thời để đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nếu không sẽ khó có thể thu hút các FDI chất lượng cao", GS. Mại lưu ý.