|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VDSC: Thương mại toàn cầu năm 2023 có thể giảm tốc theo sự đi xuống của kinh tế

08:51 | 18/11/2022
Chia sẻ
VDSC cho biết tốc độ tăng trưởng GDP của các nền kinh tế lớn được dự báo tiếp tục đi xuống trong năm 2023, kéo theo sản lượng thương mại toàn cầu có thể giảm xuống 2,5% trong năm 2023.

Trong báo cáo ngành cảng biển, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng kinh tế vĩ mô thế giới năm 2023 được dự báo ảm đạm khiến triển vọng thương mại của Việt Nam kém khả quan.

Cụ thể trong báo cáo tháng 10 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng GDP của các nền kinh tế lớn được dự báo tiếp tục giảm tốc trong năm 2023 do ảnh hưởng của việc duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát.

Theo đó, tăng trưởng GDP của Mỹ và EU có thể ở mức 1% và 0,5% trong năm 2023, giảm so với mức 1,6% và 3,1% trong năm nay. Lạm phát tại Mỹ được dự báo sẽ hạ nhiệt về 2,3% trong năm 2023, trong khi con số tại khu vực EU sẽ là 4,5%.

"Trước tình hình kinh tế đi xuống, sản lượng thương mại toàn cầu có thể giảm tốc từ 4,3% của năm 2022 xuống 2,5% trong năm 2023.

Triển vọng kém tích cực này ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng như sản lượng container của ngành cảng biển Việt Nam trong giai đoạn cuối năm 2022 và năm 2023”, VDSC nhận định.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa theo đường cảng biển quý III đã có dấu hiệu chững lại, giảm 4% so với quý trước đó. Tuy nhiên so với mức nền thấp ở quý III/2021, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu vẫn ở mức cao.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa theo phương thức container đường biển trong quý III đạt 95 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu ước đạt 54 tỷ USD, tăng 36% và nhập khẩu khoảng 41 tỷ USD, tăng 22%.

 

Kim ngạch xuất nhập khẩu một số nhóm hàng hóa chính cũng đang có xu hướng đi xuống. Ví dụ, nhóm hàng dệt may luôn đóng góp tỷ trọng lớn, khoảng 15% tổng giá trị xuất khẩu bằng container đường biển. Giá trị xuất khẩu của ngành này trong quý III ước đạt 8,3 tỷ USD, giảm 5% so với quý trước nhưng vẫn tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá trị xuất khẩu dệt may giảm sút do lạm phát tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt dẫn tới nhu cầu chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu tại thị trường chính là Mỹ và EU suy yếu (hai thị trường chiếm tỷ trọng lần lượt 49% và 9% giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam).

 

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nhóm hàng hóa máy móc, thiết bị, công cụ, phụ tùng đạt 7,3 tỷ USD, giảm 9% so với quý trước nhưng tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu theo phương thức container đường biển.

VDSC cho rằng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đi xuống do không phải mùa cao điểm, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vào quý III thường thấp hơn so với quý II.

Diễn biến cùng chiều với tình hình xuất nhập khẩu, sản lượng container thông qua cảng biển trong quý III đạt khoảng 6,1 triệu TEU, giảm 8% so với quý trước nhưng tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng sản lượng container thông quan đạt khoảng 12,7 triệu TEU, tăng 5% so với cùng kỳ. 

 

 

Hoàng Anh