|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VDSC: Khả năng có 'sóng' ở các ngành Xây lắp, Khu công nghiệp, Bán lẻ…

19:55 | 07/11/2016
Chia sẻ
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố Báo cáo chiến lược tháng 11/2016 với những nhận định về triển vọng cũng như chiến lược đầu tư trong tháng 11.

Tháng Mười được đánh dấu bằng chuỗi ngày giảm điểm kéo dài trên cả HNX và HSX. KLGD bình quân trên hai sàn giảm 5,2% so với tháng trước, chỉ còn trên dưới 150 triệu đơn vị/ngày. Tuy mua ròng 122 tỷ đồng trên hai sàn (chủ yếu ở VNM và HPG), khối ngoại cũng không quá quyết liệt mà tỏ ra khá “cơ hội” trong giao dịch khi chỉ giải ngân mạnh trong những phiên giảm. Theo quan sát, nhịp độ giao dịch trên thị trường những ngày đầu tháng Mười Một vẫn khá chậm và dòng tiền vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng chưa thật sự mạnh mẽ.

Tính từ đầu năm, giá nhựa PVC đã tăng 27%, giá dầu Brent 30%, quặng sắt 44%. Đây là yếu tố có thể gây khó khăn cho các nhà sản xuất Việt Nam đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, khả năng duy trì biên lợi nhuận gộp còn phụ thuộc vào khả năng chuyển phần tăng giá cho khách hàng của từng doanh nghiệp.

“Hiệu ứng” KQKD không còn, sự thiếu bứt phá trên bình diện vĩ mô cộng với khả năng khối ngoại hạn chế giải ngân trước thềm bầu cử Tổng Thống Mỹ sẽ khiến hai chỉ số lớn khó thoát khỏi xu hướng đi ngang, ít nhất là đến giữa tháng. Một mặt, theo quan sát của VDSC, tuy đã mất đi một phần thành quả từ đầu năm, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa lỗ nhiều và vẫn đang trong tư thế phòng thủ, hay nói cách khác, họ giữ tiền và chờ cơ hội giải ngân trở lại. Mặt khác, bên cạnh các thương vụ IPO và niêm yết lớn như Novaland, Sabeco và ACV, giai đoạn từ nay đến cuối năm cũng là thời gian nước rút cho việc thoái vốn của SCIC tại VNM và nhiều doanh nghiệp khác. Quá trình này sẽ lôi kéo một phần dòng tiền ra khỏi các cổ phiếu niêm yết để chuẩn bị đón nguồn cung “hàng hóa” chất lượng cao sắp được đưa vào thị trường.

Vùng điểm dự báo của VDSC đối với VN-Index trong tháng này là 656 - 685 với VN-Index và 79 – 81 với HNX-Index.

Chiến lược đầu tư tháng 11/2016

Theo quan sát của VDSC, nhiều cổ phiếu đã quay trở về mức định giá cách đây khoảng ba tháng sau khi đi hết một vòng tăng. Ở mức P/E 15,9x của VN-Index, thị trường rõ ràng cần một đợt điều chỉnh mạnh hơn để giá cổ phiếu thực sự hấp dẫn trở lại. Mặt bằng giá hiện tại, tuy không thể gọi là rẻ nhưng nhà đầu tư nhanh nhạy vẫn có thể tranh thủ những nhịp “nhún” của thị trường để đảo hàng có sẵn trong danh mục nhằm hạ giá vốn và/hoặc tích lũy thêm những cổ phiếu có triển vọng tốt trong năm sau.Do tính mùa vụ, nhiều khả năng sẽ có “sóng” ở các ngành thường ghi nhận phần lớn doanh thu và lợi nhuận ở quý cuối năm như Xây lắp, Khu công nghiệp, Vật dụng cá nhân và gia đình, Bán lẻ… Đồng thời, với mặt bằng lãi suất hiện nay, nhà đầu tư dài hạn cũng có thể cân nhắc những cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao và ổn định.

Việc giá cổ phiếu đi xuống ở tốc độ chậm và thanh khoản thấp không ủng hộ cho những giao dịch với mục tiêu có lợi nhuận trong ngắn hạn. Mặt khác, trừ một số ngành có tính mùa vụ, sẽ không còn nhiều cơ hội nếu nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi KQKD quý 4 khi những cổ phiếu có triển vọng tích cực trong năm nay hầu như đều đã được thị trường nhận biết. Tuy nhiên, VDSC tin rằng đây là thời điểm phù hợp để NĐT bắt đầu sàng lọc những cổ phiếu và nhóm ngành tiềm năng cho năm 2017. Trong trung và dài hạn, những lĩnh vực phục vụ tăng trưởng như Nguyên vật liệu, Xây dựng hạ tầng, BĐS công nghiệp, Công nghệ, Hàng hóa và dịch vụ công nghiệp tiếp tục là những ngành có triển vọng tăng trưởng tốt.

Sự hồi phục của các loại hàng hóa cơ bản đang gây áp lực tăng chi phí đầu vào của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành thép như HSG và HPG vẫn đang đứng trước triển vọng tiêu thụ lớn. Vị thế đầu ngành và thị phần chi phối sẽ giúp các công ty này chuyển phần nào khoản tăng chi phí đầu vào cho khách hàng. Như vậy, phần sụt giảm tỷ suất lợi nhuận gộp có thể được bù đắp bởi sự gia tăng về sản lượng tiêu thụ, đặc biệt ở những dòng sản phầm có biên lợi nhuận cao.

Số lượng tiêu thụ chậm lại trên thị trường BĐS cao cấp cũng như việc thắt chặt cho vay các dự án BĐS thời gian gần đây cũng ảnh hưởng phần nào đến triển vọng tăng trưởng doanh thu của các nhà thầu xây dựng. Tuy nhiên, giá trị hợp đồng gối đầu lớn trong khi biên LNG giữ vững có thể vẫn đảm bảo mức tăng trưởng khá cho các doanh nghiệp xây dựng như CTD, SRF, HBC trong ít nhất là một năm nữa.

Sự đi xuống về lợi nhuận của các công ty cảng và Logistics như VSC, HAH và GMD trong chín tháng đầu năm do không còn doanh thu đột biến từ container lạnh là điều nằm trong dự báo trước đó. Trong trung và dài hạn, sản lượng hàng hóa ở khu vực phía Bắc được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn khi các dự án FDI lớn dần đi vào hoạt động ổn định. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt về nguồn hàng và giá cước, VDSC tin rằng những doanh nghiệp cảng biển có kế hoạch mở rộng và lợi thế về vị trí vẫn còn nhiều cơ hội phát triển. Các công ty cảng thường có dòng tiền và tỷ suất cổ tức tốt và việc thị trường điều chỉnh có thể là cơ hội mua giá thấp ở nhóm cổ phiếu này.

Bình An

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).