|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VDSC: Hiệu ứng mùa KQKD không còn, VN-Index dao động vùng 970 - 1.015 điểm trong tháng 8

14:22 | 07/08/2019
Chia sẻ
Theo Chứng khoán Rồng Việt, áp lực điều chỉnh ở nhóm cổ phiếu vốn lớn và một số nhóm cổ phiếu đã tăng khá nóng có thể khiến VN-Index khó giữ được mức 1.000 điểm.

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, Mã: VDS) vừa công bố báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán tháng 8/2019. Theo đó, VDSC nhận định xung lực từ đợt khởi sắc trong tháng 7 duy trì sang đầu tháng 8 giúp VN-Index chinh phục mốc 1.000 điểm.

Tuy nhiên, áp lực điều chỉnh ở nhóm cổ phiếu vốn lớn và một số nhóm cổ phiếu đã tăng khá nóng trong thời gian vừa qua có thể khiến VN-Index khó giữ được mức 1.000 điểm. Theo dự báo của VDSC, VN-Index sẽ dao động trong biên biên độ 970 – 1015 điểm trong tháng 8.

VSDC cho rằng, hiệu ứng từ mùa công bố KQKD quí II sẽ không còn đáng kể trong tháng 8. Nhóm VN30 là nhóm có nhiều doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khả quan so với cùng kì, tuy nhên hầu hết cổ phiếu thuộc nhóm này đã tăng đáng kể trong tháng 7.

Ngược lại, với mức tăng trưởng tổng LNST âm ở cả nhóm VNMid và VNSmall, đà tăng điểm ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khó có thể tạo hiệu ứng lan tỏa toàn thị trường.

Sự suy giảm của dòng tiền ETF trong tháng 7 có thể khiến lực hỗ trợ từ NĐT nước ngoài suy yếu trong tháng 8. Theo VDSC, cho đến khi Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại cuối cùng, rủi ro bất ổn vẫn chưa thể loại bỏ. Gần đây nhất là thông tin Mỹ sẽ đánh thuế 10% lên thêm 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, giao dịch của giới đầu tư quốc tế do vậy sẽ ở trạng thái thận trọng.

Trong tháng 7, thị trường chứng khoán khởi sắc khi VN-Index hồi phục từ đáy 6 tháng (943 điểm) lên tiệm cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.000 điểm được thiết lập từ đầu tháng 4. Thị trường bắt đầu vận động theo hướng kỳ vọng FED hạ lãi suất, cùng với căng thẳng chiến tranh thương mại tạm lắng là những yếu tố tích cực từ bên ngoài trong tháng qua.

Trong nước, khối ngoại mua ròng kỉ lục kể từ đầu năm và kết quả kinh doanh tích cực của nhóm cổ phiếu trụ là lực đẩy khiến thị trường thăng hoa. Cụ thể, cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn có lãi sau thuế 6 tháng tăng trưởng mạnh như VIC, VHM, VCB có mức tăng giá cao và tác động đáng kể lên chỉ số khi VN-Index tăng 4,4% trong tháng 7.

Tuy nhiên, lực cầu chỉ tập trung vào nhóm vốn hóa lớn mà không có tính lan tỏa, VN30-Index tăng 2,2% trong khi VNMID-Index và VNSML-Index giảm lần lượt 0,7% và 0,4%.

thang7

Nguồn: VDSC

Thanh khoản trung bình mỗi phiên tăng 15% so với tháng 6, lên khoảng 3.000 tỷ trong tháng 7 và chỉ giảm nhẹ khi chỉ số tiến tới ngưỡng kháng cự 1.000 điểm. Trong đó, thanh khoản của nhóm VN30 chiếm tới trên 60% thanh khoản toàn sàn HOSE, so với chỉ hơn 50% trong tháng 6.Độ rộng thị trường trung tính khi số mã tăng và số mã giảm gần như tương đương.

Nhìn chung, lực cầu yếu đi khi VN-Index chạm vùng kháng cự và dòng tiền không có sự lan tỏa đều là những yếu tố đáng lo ngại tại thời điểm này. Thực trạng "xanh vỏ đỏ lòng" trong những phiên cuối tháng báo hiệu rủi ro đang gia tăng sau khi VN-Index đã có chuỗi tăng ấn tượng trong tháng 7.


Sơn Tùng