|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VDSC gợi ý ba chủ đề đầu tư và danh mục cổ phiếu đón sóng phục hồi năm 2022

07:41 | 07/01/2022
Chia sẻ
Với kỳ vọng VN-Index có thể đạt 1.730 điểm trong năm 2022, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra 3 chủ đề đầu tư tích cực cho các nhà đầu tư, bao gồm: sự phục hồi kinh tế, các chính sách pháp lý mang tính hỗ trợ và sự thay đổi hành vi ở các nhóm ngành.

Tại buổi tọa đàm "Chiến lược đầu tư năm 2022 - Sẵn sàng cho sự phục hồi được chờ đợi từ lâu", Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã dự báo VN-Index có thể dao động trong khoảng 1.340 - 1.730 điểm trong năm 2022, với mức P/E dự phóng là 16,4 lần.

Nhóm phân tích của VDSC đưa ra 3 xu hướng chính trong năm 2022, tương ứng với các chủ đề đầu tư, bao gồm: nền kinh tế phục hồi và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng, việc triển khai các chính sách pháp lý mang tính hỗ trợ và sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng sau đại dịch.

VDSC gợi ý ba chủ đề đầu tư và danh mục cổ phiếu đón sóng phục hồi năm 2022 - Ảnh 1.

Nguồn: VDSC.

Với chủ đề đầu tư thứ nhất là sự phục hồi kinh tế, VDSC kỳ vọng cổ phiếu của các nhóm ngành gồm ngân hàng, logistics, cùng các doanh nghiệp xuất khẩu, bán lẻ, sản xuất sẽ có diễn biến về giá tích cực.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin với người trên 18 tuổi là 99,6% tiêm 1 mũi, 90,9% tiêm đủ 2 mũi. Đối với nhóm từ 12 - 17 tuổi, tỷ lệ tiêm vắc xin 1 mũi là 86%, 2 mũi là 57%. Tính đến nay, chiến lược "ngoại giao vắc xin" vẫn đang được tận dụng hiệu quả khi chúng ta đang đặt mua vắc xin để tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi.

Việc tỷ lệ bao phủ vắc xin tăng cao, số ca chuyển nặng hoặc tử vong có xu hướng giảm là tiền đề nới lỏng hơn nữa các quy định phòng chống dịch bệnh vốn được áp dụng với quy mô nhỏ tại nhiều khu vực. Nhờ đó tạo môi trường kinh doanh ổn định hơn cho các doanh nghiệp, dòng tiền kinh doanh lành mạnh hơn, giảm thiếu rủi ro tín dụng cho các ngân hàng, củng cố khả năng hoàn nhập dự phòng trong 2022 và hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng.

Trên bình diện toàn cầu, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ được giảm bớt do các chính sách hạn chế lây lan COVID-19 sẽ được cắt giảm khi chính phủ nhiều nước dần thích ứng với dịch bệnh. Quá trình bình thường hóa của các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ giúp giảm chi phí vận tải, qua đó giảm lạm phát cũng như thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng toàn cầu, đặc biệt với các doanh nghiệp có hoạt động thương mại như logistics, xuất nhập khẩu, dệt may, thủy sản…

Sự quay trở lại của nhu cầu tiêu dùng nội địa là động lực cho các cổ phiếu bán lẻ trong năm nay. VDSC kỳ vọng các doanh nghiệp đầu ngành, có tiềm lực tài chính mạnh và chiến lược kinh doanh đột phá trong giai đoạn hậu dại dịch sẽ chiếm được miếng bánh lớn hơn trong ngành kinh doanh của họ và góp phần cải thiện tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng vẫn tương đối bất ổn trong nửa đầu năm 2022.

VDSC gợi ý ba chủ đề đầu tư và danh mục cổ phiếu đón sóng phục hồi năm 2022 - Ảnh 2.

Nguồn: VDSC.

Với chủ đề thứ hai là các chính sách pháp lý mang tính hỗ trợ, VDSC đặt kỳ vọng lớn vào câu chuyện đầu tư công. Nhóm ngành được hưởng lợi chính là bất động sản dân dụng, bất động sản khu công nghiệp.

Trên thực tế, tiến độ giải phóng mặt bằng, giao đất, giải ngân vốn đầu tư công đang được đẩy nhanh. Việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ lan tỏa tích cực đối với giá trị thương mại của các dự án bất động sản, cũng như giá cho thuê đất của các khu công nghiệp.

Trong khi đó, hàng loạt các đợt mở bán sẽ giải phóng nguồn cung bất động sản bị dồn ứ trong 2021 và là chất xúc tác cho các nhà phát triển bất động sản dân dụng.

VDSC gợi ý ba chủ đề đầu tư và danh mục cổ phiếu đón sóng phục hồi năm 2022 - Ảnh 3.

Nguồn: VDSC.

Một số khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi từ các dự thảo sửa đổi nghị định 82/2018. Theo kỳ vọng của nhóm phân tích VDSC, các dự thảo nghị định sửa đổi này sẽ đẩy nhanh tiến độ chấp thuận đầu tư khu công nghiệp mới, thúc đẩy nhu cầu đầu tư FDI trong quá trình tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu trong những năm tới.

Ngoài ra một số chính sách với quy mô nhỏ hơn cũng được kỳ vọng là chính sách phát triển năng lượng tái tạo, hay việc thoái vốn của nhà nước tại một số doanh nghiệp sẽ là điểm nhấn đáng chú ý trong năm nay.

Xu hướng cuối cùng VDSC muốn đề cập tới là xu hướng thay đổi hành vi đối với các nhóm ngành thực phẩm đồ uống, bán lẻ, công nghệ thông tin.

VDSC kỳ vọng vào sự thay đổi trong xu hướng chi tiêu, tiêu dùng của người tiêu dùng. Mối lo về dịch bệnh vẫn là một trong những yếu tố thuận lợi cho xu hướng tiêu dùng dịch vụ sản phẩm tại nhà, các sản phẩm ăn uống, đặc biệt với các công ty F&B hàng đầu trong ngành với hệ thống sản phẩm đa dạng.

Bên cạnh đó, kênh thương mại hiện đại bao gồm siêu thị , của hàng tiện lợi, thương mại điện tử sẽ tiếp tục được phát triển cùng với quá trình gia tăng thu nhập của người tiêu dùng. Việc gia tăng của tầng lớp tiêu dùng trung lưu sẽ thúc đẩy hơn nữa tiêu dùng FMCG cũng như doanh thu của mỗi điểm bán lẻ hàng hóa.

Sự dịch chuyển thứ hai mà VDSC muốn đề cập là sự chuyển dịch trong mô hình đầu tư của khối doanh nghiệp theo xu hướng tăng chi tiêu cho công nghệ thông tin, đặc biệt là chuyển đổi kỹ thuật số. Đây sẽ là xu hướng then chốt cải thiện hiệu quả hoạt động cũng như duy trì tính cạnh tranh trong bối cảnh thị trường có nhiều xáo trộn sau đại dịch.

VDSC gợi ý ba chủ đề đầu tư và danh mục cổ phiếu đón sóng phục hồi năm 2022 - Ảnh 4.

Nguồn: VDSC.

Thảo Bùi