VDB sẽ được quyết định mức trích lập dự phòng đối với các khoản nợ
Ngân hàng Phát triển Việt Nam không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi (Ảnh: VDB) |
Mới đây, Chính phủ ban hành dự thảo về quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Dự thảo có nhiều điểm mới và chi tiết hơn so với quy định cũ, cụ thể về mức trích lập dự phòng, cách xác định cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất, mức đầu tư tài sản cố định,...
VDB được phép tự chủ về tài chính
Ngân hàng Phát triển là ngân hàng chính sách do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nhằm thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách của Nhà nước và các nhiệm vụ khác theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc quản lý tài chính của VDB là tự chủ về tài chính, thực hiện bảo toàn và phát triển vốn, bù đắp chi phí và rủi ro hoạt động tín dụng. Hoạt động của ngân hàng được xác định không vì mục tiêu lợi nhuận, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% và không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.
VDB được Chính phủ đảm bảo khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước (NSNN) theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải thực hiện công khai tài chính theo quy định của pháp luật.
Các nguồn huy động vốn của VDB
Ngoài vốn chủ sở hữu, VDB được phép huy động vốn từ từ phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi theo quy định của pháp luật hoặc vay của Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện, Bảo hiểm Xã Hội Việt nam, các TCTD trong và ngoài nước.
Đó cũng có thể là vốn nhận uỷ thác giải ngân cho các dự án và thu hồi nợ của khách hàng; vốn do NSNN cấp để thực hiện nhiệm vụ tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu và các mục tiêu, chương trình của Chính phủ. Hoặc là vốn đóng góp tự nguyện không hoàn trả của các cá nhân, các tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, tín dụng và các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.
Ngoài ra, VDB còn nhận được các khoản vốn từ NSNN hỗ trợ sau đầu tư, vốn ODA được Bộ Tài chính uỷ quyền thực hiện cho vay lại, nhận tiền gửi uỷ thác của các tổ chức trong và ngoài nước và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, ngân hàng chỉ được phép huy động vốn bằng ngoại tệ để sử dụng cho các dự án vay để nhập khẩu máy móc, thiết bị hoặc nhà xuất khẩu vay để nhập khẩu nguyên liệu mà có khả năng trả nợ bằng ngoại tệ.
Ngân hàng được sử dụng nguồn vốn hoạt động để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước theo quy định của Chính phủ, cấp phát uỷ thác, cho vay uỷ thác theo yêu cầu của bên ủy thác.
Mức đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản của VDB phải tuân thủ theo quy định của pháp luật đối với DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ và theo kế hoạch hàng năm được Hội đồng quản trị thông qua. Đồng thời, đảm bảo tổng giá trị còn lại của toàn bộ tài sản cố định không vượt quá 30% vốn điều lệ thực có của VDB.
VDB được quyền quyết định mức dự phòng cụ thể đối với các nhóm nợ
Ngân hàng Phát triển thực hiện phân loại nợ theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). VDB được lập quỹ dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý rủi ro tín dụng chính sách, cho vay các chương trình, dự án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và được tính vào chi phí hoạt động.
Theo đó, VDB phải trích quỹ dự phòng rủi ro chung bằng 0,75% tính trên tổng dư nợ của hoạt động cho vay tín dụng chính sách, cho vay các chương trình, dự án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với dự phòng rủi ro cụ thể, mức trích lập do VDB quyết định, tối đa không quá mức trích lập đối với từng nhóm nợ theo quy định của NHNN.
Cuối năm nếu không sử dụng hết thì khoản dự phòng này được để lại bù đắp rủi ro cho những năm sau. Trường hợp quỹ dự phòng rủi ro không đủ bù đắp các khoản tổn thất, VDB báo cáo để Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất
VDB được NSNN cấp bù chênh lệch lãi suất và và phí quản lý đối với hoạt động tín dụng chính sách của Nhà nước và các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định của pháp luật.
Mức cấp bù chênh lệch lãi suất được xác định trên cơ sở chênh lệch giữa lãi suất hòa đồng bình quân các nguồn vốn với lãi suất cho vay bình quân và dư nợ cho vay bình quân tín dụng chính sách.
Mỗi quý cấp 25% kế hoạch cấp bù được NSNN bố trí hàng năm trong kế hoạch chi. Kết thúc năm tài chính, căn cứ số liệu quyết toán cấp bù chính thức được Hội đồng quản trị phê duyệt, VDB gửi báo cáo quyết toán cấp bù đến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hàng năm, VDB được cấp phí quản lý tính trên dư nợ bình quân không bao gồm nợ khoanh và nợ quá hạn) của các khoản cho vay tín dụng chính sách, các khoản cho vay các chương trình, dự án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
VDB muốn xin cơ chế riêng để phân loại nợ
Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) vừa có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hướng dẫn việc phân loại ... |
Đa dạng hóa các biện pháp xử lý rủi ro tín dụng tại VBD
Bộ Tài Chính đang dự thảo Quy chế xử lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với 9 phương ... |
Đề xuất 48.550 tỷ đồng cấp bù lãi suất, chi phí cho 2 ngân hàng
Chính phủ dự kiến bố trí 48.550 tỷ đồng để cấp bù chênh lệch lãi suất, chi phí quản lý và vốn điều lệ cho ... |