VDB sẽ phải tuân thủ quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn
Cụ thể, từ 1/1/2020 VDB sẽ phải tuân thủ quy định về giới hạn cấp tín dụng; tỷ lệ dự trữ thanh khoản và tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng vốn huy động theo quy định của thông tư này.
Ảnh minh họa
Nói về sự cần thiết phải quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của VDB, NHNN Việt Nam cho biết, mặc dù VDB là ngân hàng chính sách thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ, trong hoạt động của VDB vẫn tiềm ẩn những rủi ro tương tự như các NHTM khác.
Hơn nữa, do thời hạn cho vay của VDB đối với các dự án là rất dài, bình quân là 10 năm, trong khi đó nguồn vốn dùng để cho vay chủ yếu là nguồn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh với thời hạn huy động bình quân là 5 năm, dẫn đến rủi ro thanh khoản cho VDB trong trường hợp thị trường khó khăn, VDB không huy động kịp thời để trả nợ huy động các khoản đến hạn.
“Vì vậy, việc quy định, áp dụng các chỉ tiêu an toàn vốn, an toàn trong hoạt động đối với VDB là cần thiết nhằm đảm bảo VDB hoạt động an toàn, hiệu quả, bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước”, cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ nhấn mạnh.
Tuy nhiên NHNN Việt Nam cũng cho rằng, trước mắt chưa quy định và áp dụng các chỉ tiêu: (i) Tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày; (ii) Tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung và dài hạn; (iii) Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đối với VDB như đối với các NHTM mà chỉ quy định 3 chỉ tiêu như đã nêu ở trên.
Cụ thể về giới hạn cấp tín dụng, Thông tư quy định rõ: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng (bao gồm cả tín dụng đầu tư của Nhà nước) tính trên vốn tự có của VDB không được vượt quá 15% đối với một khách hàng, không được vượt quá 25% đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Về tỷ lệ dự trữ thanh khoản (được tính bằng tỷ lệ phần trăm của tài sản có tính thanh khoản cao so với tổng nguồn vốn), Thông tư quy định, VDB phải duy trì tỷ lệ dự trữ thanh khoản tối thiểu theo lộ trình sau:
Kể từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020 là 0,6%; kể từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2022 là 1%; kể từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2024 là 1,5%; và từ 1/12025 là 2%.
Lý giải về việc đưa ra lộ trình trên, NHNN Việt Nam cho biết, nếu áp dụng ngày theo mức của NHTM, VDB sẽ khó có thể tuân thủ tỷ lệ này.
Bởi tài sản có tính thanh khoản cao của VDB ít, chủ yếu là tiền mặt, vàng; tiền gửi tại NHNN và tiền gửi không kỳ hạn tại các TCTD, chi nhánh NHNNg khác ở trong nước và nước ngoài; trong khi VDB không có giấy tờ có giá sử dụng trong các giao dịch của NHNN.
Bên cạnh đó, nhu cầu dự trữ thanh khoản của VDB không cao do không tham gia nhiều các hoạt động thanh toán, dòng tiền luân chuyển ít, do đó việc yêu cầu duy trì dự trữ thanh khoản nhiều sẽ làm phát sinh thêm chi phí cho VDB.
Ngoài ra, VDB cũng phải tuân thủ quy định về tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng vốn huy động. Cụ thể, VDB được duy trì tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng vốn huy động ở mức 100% cho tới hết năm 2020; còn từ 1/1/2021 VDB chỉ được cho vay tối đa 95% tổng nguồn vốn huy động. Tổng dư nợ cho vay của VDB bao gồm:
Dư nợ cho vay ngắn hạn hỗ trợ xuất khẩu; Dư nợ cho vay ngắn hạn chương trình đặc biệt của Chính phủ; Dư nợ cho vay trung hạn tín dụng đầu tư; Dư nợ cho vay trung hạn chương trình đặc biệt của Chính phủ; Dư nợ cho vay dài hạn tín dụng đầu tư; Dư nợ cho vay dài hạn chương trình đặc biệt của Chính phủ; Dư nợ cho vay khác; Dư nợ các khoản nợ vay chờ xử lý.
Còn tổng vốn huy động bao gồm: Tiền gửi của tổ chức trong nước, nước ngoài; tiền vay Bảo hiểm xã hội Việt Nam, vay ngân sách Nhà nước, vay của các tổ chức tài chính, TCTD trong nước và nước ngoài; tiền huy động từ phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá khác.
Lý giải cho quy định trên, NHNN Việt Nam cho biết, quy định trên là phù hợp với đặc thù thực tế hoạt động của VDB. Đó là nguồn vốn huy động của VDB chủ yếu là Trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, vay TCTD, tổ chức tài chính, ngân sách Nhà nước, không huy động từ dân cư.
Thứ hai, định hướng đã được Bộ Tài chính thống nhất về việc yêu cầu VDB phải nắm giữ lượng tài sản có tính thanh khoản cao so với quy mô tổng nợ phải trả để chủ động triển khai các giải pháp cần thiết đảm bảo an toàn chi trả, thanh khoản là 2%, tiến tới là 5%.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/