|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VCSC: KCN VSIP III sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng Cao su Phước Hòa từ năm 2021

08:16 | 20/11/2020
Chia sẻ
Riêng năm 2020, VCSC dự báo lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ PHR đạt 1.100 tỉ đồng vào năm 2021, con số tương đương số liệu ước tính của HĐQT PHR công bố mới đây.
VCSC: Khoản thu gần 900 tỉ đồng từ KCN VSIP III sẽ dẫn dắt tăng trưởng 2021 cho Cao su Phước Hòa - Ảnh 1.

Công nhân PHR khai thác mủ cao su. (Ảnh: Khánh Vinh).

Nhân tố nào thúc đẩy lợi nhuận Phước Hòa trong năm 2020?

Báo cáo cập nhật mới đây của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay, giá cao su tự nhiên quí III/2020 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo tăng 26% so với quí trước. Tính riêng trong tháng 10, giá cao su tự nhiên đã tăng 63% so với cùng kì năm trước.

Nguyên nhân do nhu cầu cao su tự nhiên từ các nhà máy Trung Quốc ghi nhận phục hồi trong thời gian gần đây cùng với nguồn cung toàn cầu gián đoạn do dịch COVID-19. Theo đó, các nhà phân tích VCSC dự báo doanh thu mảng cao su tự nhiên của CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) tăng thêm 6,4% trong năm 2020.

Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2020 của Phước Hòa cho thấy, doanh thu thuần giảm 24% so với cùng kì, về mức 886 tỉ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu 9 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng thành phẩm đạt 576 tỉ đồng, đóng góp 65% vào tổng doanh thu. Doanh thu từ cho thuê đất và sử dụng hạ tầng khu công nghiệp đạt 129 tỉ đồng, chiếm 14,6% tổng doanh thu, thấp hơn so với tỉ lệ 32% của cùng kì.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Phước Hòa ghi nhận lãi sau thuế công ty mẹ tăng 15% lên 701 tỉ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 4 quí gần nhất đạt 4.177 đồng.

Theo tính toán của VCSC, doanh thu của PHR năm 2020 sẽ đạt 1.400 tỉ đồng, giảm 16% so với thực hiện năm 2019.

Song, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ dự kiến tăng 126% lên 1.000 tỉ đồng, nhờ khoản thu nhập từ đền bù 864 tỉ đồng từ chuyển đổi đất trồng cao su sang đất khu công nghiệp cho CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã: NTC) và lợi nhuận tích cực từ mảng cao su tự nhiên.

Tiềm năng tăng trưởng đến từ khoản thu từ khu công nghiệp VSIP III 

Theo nhóm phân tích của Chứng khoán Bản Việt, khu công nghiệp VSIP III là nhân tố dẫn dắt chính của Cao su Phước Hòa cả trong ngắn hạn và dài hạn.

"Năm 2021, PHR sẽ ghi nhận khoản thu nhập bồi thường trị giá 898 tỉ đồng từ chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp VSIP III", VCSC cho hay.

Cụ thể, doanh thu từ việc chuyển đổi sẽ đóng góp khoảng 61% lợi nhuận trước thuế dự phóng năm 2021 của PHR. Bên cạnh khoản thanh toán một lần khi chuyển đổi đất cao su trong năm 2021, PHR sẽ ghi nhận 20% thu nhập được chia từ bán đất khu công nghiệp VSIP III cũng như 20% lợi nhuận được chia từ cổ phần tại khu công nghiệp này.

Theo tìm hiểu, Cao su Phước Hòa đã kí hợp đồng với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) để thực hiện bồi thường và hỗ trợ thiệt hại khi Phước Hòa bàn giao 691 ha cho VSIP thực hiện dự án KCN VSIP III vào năm 2019.

Hợp đồng qui định, VSIP sẽ bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cây cao su do thanh lí sớm với giá bình quân 1,3 tỉ đồng/ha, tương ứng tổng giá trị 898,3 tỉ đồng. Ngoài ra, Phước Hòa được chia 20% lợi nhuận từ hoạt động cho thuê đất.

Trong mọi trường hợp, lợi nhuận VSIP chia cho Phước Hòa sẽ không thấp hơn 1,2 tỉ đồng/ha (tính trên diện tích đất 691 ha), tức tổng giá trị không thấp hơn 829,2 tỉ đồng. Số tiền này sẽ được chia cho Phước Hòa theo tiến độ cho thuê đất.

Bên cạnh hợp đồng cho thuê đất, Phước Hòa góp 20% vốn điều lệ vào dự án VSIP III và được chia lợi nhuận theo kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm của toàn bộ dự án.

Như vậy, ít nhất 1.700 tỉ đồng từ KCN VSIP III sẽ chảy về túi Cao su Phước Hòa, bao gồm tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cây cao su do thanh lí sớm là 898 tỉ đồng và lợi nhuận phân chia từ dự án tối thiểu 829 tỉ đồng.

Trở lại với báo cáo cập nhật của công ty chứng khoán, VCSC kì vọng khu công nghiệp VSIP III sẽ được mở bán từ năm 2022 và đóng góp khoảng 334 tỉ đồng trong lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Phước Hòa.

Theo đó, các nhà phân tích của Bản Việt dự báo lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ PHR đạt 1.100 tỉ đồng vào năm 2021, tăng 11% so với năm trước, chủ yếu đến từ thu nhập đền bù 898 tỉ đồng từ chuyển đổi đất cho khu công nghiệp VSIP III.

Trong khi đó, phần lợi nhuận của công ty mẹ Phước Hòa được dự báo sẽ giảm 28% trong năm 2022 do không có khoản thu nhập lớn từ đền bù chuyển đổi đất trồng cao su.

Hiện, khu công nghiệp VSIP III đang chờ phê duyệt từ Chính phủ trong việc điều chỉnh ranh trước khi nhận được phê duyệt kế hoạch chuyển đổi đất từ tỉnh Bình Dương.

Mới đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) PHR cũng vừa công bố nghị quyết thông qua kế hoạch trình Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam chủ trương làm chủ đầu tư trực tiếp 2 khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ Hội Nghĩa và Bình Mỹ.

Trong đó, dự án khu công nghiệp tại Hội Nghĩa có quy mô 715 ha và tại Bình Mỹ là 1.002 ha. 

Đáng lưu ý, Phước Hoà muốn bổ sung một số ngành nghề kinh doanh bao gồm đầu tư điện năng lượng mặt trời và bán điện mặt trời; thu gom rác thải không độc hại; xử lí ô nhiễm và quản lý chất thải; đăng kí xe vận chuyển chất thải;...

Công ty cũng trình công ty mẹ bổ sung ngành nghề cho thuê mái nhà xưởng lắp đặt điện năng lượng mặt trời cho hai công ty con là CTCP Cao su Trường Phát và CTCP Khu công nghiệp Tân Bình.

Tính đến thời điểm kết thúc quí III, tổng tài sản của Cao su Phước Hòa là 6.108 tỉ đồng, tăng thêm 254 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Tiền, các khoản tiền gửi ngắn hạn và dài hạn là 2.041 tỉ đồng, tăng 7% và chiếm 33% cơ cấu tài sản.Tổng nợ đi vay đạt 549 tỉ đồng, chiếm 19% tổng nợ phải trả.

CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) là một trong những doanh nghiệp cao su lớn nhất tại Việt Nam. Công ty hiện sở hữu quĩ đất 15.000 ha tại tỉnh Bình Dương.

Ngoài ra, PHR cũng vận hành các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương thông qua các công ty con và công ty liên kết. PHR là công ty con do Tập đoàn Cao su Việt Nam (Mã: GVR) sở hữu 66,6% cổ phần.

Trong dài hạn, PHR dự kiến chuyển đổi 10.000 ha đất để phát triển sang các lĩnh vực khác như phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ (6.000 ha); đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao (2.500 ha); và khoảng 1.500 ha bàn giao địa phương sử dụng đầu tư phát triển kinh tế xã hội.

Thu Thảo