|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

VCCI: Cần nghiên cứu kỹ và hoàn thiện hơn Luật Đấu giá tài sản

20:57 | 16/07/2023
Chia sẻ
Luật Đấu giá tài sản được thi hành từ năm 2017. Sau hơn 5 năm triển khai, văn bản luật này đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về đấu giá tài sản, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công.

Hoạt động đấu giá tài sản cũng từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa; hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện luật đã phát sinh một số vấn đề mới chưa được điều chỉnh kịp thời. Một số quy định của luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với một số loại tài sản đấu giá có tính chất đặc thù.

Để phản hồi đề nghị của Bộ Tư pháp góp ý hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; đồng thời, tham vấn ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo có đề cập Báo cáo tổng kết thi hành, tuy nhiên, chưa làm rõ tác động tích cực của việc thực hiện Luật Đấu giá tài sản.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một số thông tin như số lượng, tổng giá trị tài sản đã được đấu giá trong 5 năm qua, chia theo các loại tài sản (công sản, thi hành án dân sự, quyền sử dụng đất, giao dịch bảo đảm, phá sản, khoáng sản…) và tỷ lệ số tiền trúng đấu giá vượt giá khởi điểm như thế nào. Đây là các thông tin quan trọng cho thấy việc thực hiện Luật Đấu giá tài sản đã có đóng góp gì cho xã hội nói chung.

Bên cạnh đó, dự thảo đề nghị bổ sung quy định đấu giá viên có nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề đấu giá tài sản hàng năm. Quy định này sẽ dẫn đến việc hàng nghìn đấu giá viên phải tham gia khoá bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm.

Theo đánh giá của VCCI, có thể, cơ quan soạn thảo đưa ra quy định này nhằm khắc phục tình trạng một số đấu giá viên có thẻ nhưng ít trực tiếp hành nghề nên không có cơ hội cập nhật các quy định pháp luật hoặc nghiệp vụ mới. Tuy nhiên, nếu lấy thực trạng một số đấu giá viên như vậy nhưng lại yêu cầu tất cả các đấu giá viên khác đi học là không hợp lý.

Rất nhiều đấu giá viên khác thực hiện công việc hàng ngày, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, cũng như am hiểu nghiệp vụ và pháp lý. Nếu yêu cầu các đấu giá viên này cũng phải tham gia các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc không chỉ gây lãng phí xã hội mà còn có nguy cơ dẫn đến nhiều tiêu cực.

Xuất phát từ đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng bỏ quy định bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc mà chỉ mang tính tự nguyện khi đấu giá viên cần nâng cao nghiệp vụ; chỉ yêu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc đối với các đấu giá viên ít điều hành cuộc đấu giá (chỉ điều hành 1-2 cuộc mỗi năm).

Liên quan tới quy chế đấu giá, dự thảo quy định nếu thay đổi các thông tin công bố công khai thì phải thông báo lại và phải đáp ứng thời gian tối thiểu theo luật. Tuy nhiên, dự thảo quy định quy chế đấu giá phải được công khai kèm theo thông báo về cuộc đấu giá.

Các quy định này dẫn đến hệ quả là nếu thay đổi Quy chế đấu giá thì sẽ không phải thông báo lại. Điều này là không thoả đáng vì Quy chế đấu giá cũng là một trong những nội dung rất quan trọng mà người tham gia đấu giá cần phải được biết trước khi nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung Quy chế đấu giá vào dự thảo để áp dụng thống nhất.

Một trong những nội dung quan trọng nhất là xử lý quyền lợi của người đã nộp tiền đặt trước mà có sự thay đổi thông tin của cuộc đấu giá. 

Dự thảo hiện chưa quy định đầy đủ về việc xử lý quyền lợi của người đã nộp tiền đặt trước mà có sự thay đổi thông tin của cuộc đấu giá.

Dự thảo quy định trường hợp thay đổi địa điểm đấu giá sau khi hết hạn nộp hồ sơ. Theo đó, nếu thay đổi địa điểm đấu giá vì lý do khách quan sau khi hết hạn nộp hồ sơ và tiền đặt trước thì chỉ cần thông báo với người đã đăng ký tham gia và nộp tiền đặt trước mà không cần được sự đồng ý của những người này.

Quy định này gây rủi ro cho những người đã nộp tiền đặt trước nhưng do thay đổi địa điểm nên không thể tham gia đấu giá, dẫn đến mất tiền đặt trước.

Luật Đấu giá chỉ quy định trường hợp có sự thay đổi về giá khởi điểm, số lượng, chất lượng tài sản thì người tham gia đấu giá có quyền từ chối tham gia và nhận lại tiền đặt trước. Các trường hợp thay đổi nội dung khác của cuộc đấu giá như thay đổi thời gian đấu giá, như đổi từ buổi sáng sang buổi chiều, hoặc thay đổi Quy chế đấu giá chưa được quy định.

Với các lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng, mọi sự thay đổi thông tin tại dự thảo, bao gồm cả Quy chế đấu giá đều phải được sự đồng ý của những người đã nộp tiền đặt trước. Trong trường hợp người đã nộp tiền đặt trước không đồng ý với sự thay đổi đó thì có quyền lấy lại tiền đặt trước.

Hay như nội dung "Người không được đăng ký tham gia đấu giá". Dường như, dự thảo luật này mới chỉ dừng lại ở việc quy định người với tư cách cá nhân, chứ chưa bao gồm pháp nhân. Về nguyên tắc, pháp nhân, với tư cách chủ thể độc lập, có thể đăng ký tham gia đấu giá và cũng có thể gặp xung đột lợi ích tương tự như cá nhân.

Ví dụ, Công ty TNHH MTV do vợ của đấu giá viên làm chủ sở hữu có được đăng ký tham gia đấu giá không? Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các trường hợp người liên quan là pháp nhân cũng sẽ không được đăng ký tham gia đấu giá. Khái niệm người liên quan có thể tham khảo các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Tổ chức tín dụng.

Cuối cùng, liên quan tới "Xử lý tình huống đấu giá không thành", theo VCCI, hiện nay, trong trường hợp đấu giá không thành thì mỗi loại tài sản có cách xử lý khác nhau. Đối với tài sản thi hành án, Luật Thi hành án dân sự cho phép mỗi lần đấu giá sau sẽ được giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá trước đó.

Trong khi đó, các loại tài sản khác lại không được áp dụng cơ chế này mà vẫn phải đấu giá lại với giá khởi điểm giữ nguyên. Điều này có thể khiến việc xử lý tài sản này kéo dài mà không hiệu quả. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo tổng kết kinh nghiệm của việc giảm giá 10% của tài sản thi hành án, nếu phù hợp có thể áp dụng rộng rãi cho các loại tài sản khác.

Ngọc Quỳnh