VCCI: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tác động lớn đến ngành đồ uống của Việt Nam
Trong văn bản góp ý về dự thảo Luật thuế tiêu thụ (TTĐB) đặc biệt (sửa đổi), VCCI cho biết nước giải khát có đường là mặt hàng mới được bổ sung vào diện chịu thuế với thuế suất dự kiến 10%. Lý do được đưa ra là nhằm chống lại tình trạng thừa cân, béo phì đang gia tăng tại Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, việc bổ sung đối tượng chịu thuế mới sẽ có tác động rất lớn và rất nghiêm trọng tới sự phát triển của doanh nghiệp ngành hàng này, VCCI cho rằng chính sách này cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Chính sách thuế này chưa bảo đảm công bằng
Theo VCCI, mục tiêu ngăn chặn tình trạng thừa cân béo phì là cần thiết và nhận được sự ủng hộ từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đánh thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường sẽ giúp hạn chế hay giảm tỷ lệ béo phì như thế nào thì chưa được đánh giá đầy đủ.
Theo nghiên cứu của một số doanh nghiệp, các thực phẩm có chứa đường (gồm đồ uống giải khát, bánh kẹo, kem…) cung cấp trung bình 3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể. Như vậy, việc đánh thuế 10% đối với mặt hàng nước giải khát có đường chỉ có thể làm giảm một lượng rất nhỏ, khoảng 0,1% – 0,2% năng lượng được nạp vào cơ thể.
VCCI cũng cho rằng, chính sách thuế này chưa bảo đảm công bằng khi chỉ tập trung vào các sản phẩm đồ uống đóng chai sẵn. Còn các loại đồ uống pha chế tại chỗ như cà phê, trà sữa, nước mía, trà chanh… sẽ khó có thể bị đánh thuế, do không thể xác định chính xác hàm lượng đường.
Ngoài ra, chính sách này sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp ngành đồ uống của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp thuần tuý nội địa. Các doanh nghiệp nước ngoài đã có kinh nghiệm và công nghệ trong việc chuyển đổi sang các sản phẩm đồ uống không đường nhưng vẫn có vị ngọt. Trong khi đó, các doanh nghiệp thuần tuý nội địa gặp khó khăn hơn rất nhiều khi chính sách đánh thuế được thực hiện.
“Cơ quan soạn thảo cần có đánh giá kỹ hơn về tác động, biện pháp thực hiện, cũng như lộ trình phù hợp của chính sách thuế TTĐB đối với đồ uống có đường”, VCCI đề nghị.
Các kế hoạch dài hạn lập trừ trước sẽ không ứng phó được
Trước đó, tại hội thảo Góp ý hoàn thiện dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do VCCI tổ chức, ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Pháp chế Tập đoàn Tân Hiệp Phát, cho biết trong ngành nước giải khát, tăng giá là việc rất nhạy cảm, bởi sự cạnh tranh khốc liệt chỉ cần cần chênh 200-300 đồng/chai thì việc tiêu thụ thay đổi hoàn toàn. Vì vậy, với việc áp thuế TTĐB 10% với đồ uống có đường thì tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp trong ngành.
Theo tính toán, nếu áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường với mức thuế suất 10%, ngành sản xuất kinh doanh nước giải khát thiệt hại 3.664 tỷ đồng. Không chỉ vậy, khi doanh nghiệp áp lực hơn về tài chính, có thể gia tăng số lao động mất việc làm, giảm thu nhập.
"Chúng tôi đầu tư hơn 300 triệu USD cho 12 dây chuyền trên cả nước, nếu áp thuế 10% thì khó chồng khó, các kế hoạch dài hạn lập trừ trước sẽ không ứng phó được, chưa kể tác động đến 700.000 nhà phân phối, hàng triệu hộ nông dân trồng trà, ảnh hưởng tiêu cực tới cả chuỗi sản xuất", ông Hưng nêu rõ.
Đại diện cho các doanh nghiệp trong ngành, ông Đỗ Thái Vương, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát, Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam, cho biết việc đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường có thể sẽ khiến người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công, nhập lậu đang phổ biến trên thị trường, nhưng không phải chịu thuế TTĐB.
Điều này dẫn tới mục tiêu chính sách không những không đạt được, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp đồ uống, tạo điều kiện cho các mặt hàng đồ uống không chính thức, sản xuất thủ công hoặc nhập lậu phát triển.
Trong khi đó, các nước khác đã và đang áp dụng biện pháp có hiệu quả là biện pháp giáo dục và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân liên quan đến lượng đường và calo nạp vào. Hiện tại các doanh nghiệp trong ngành đã và đang có đang có những sản phẩm ít đường hoặc những sản phẩm không calo, và cũng có nghiên cứu các sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất
“Bản thân ngành đã và đang triển khai các dòng sản phẩm mà tốt cho sức khỏe. Vấn đề mấu chốt ở đây chúng ta cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, để người dân có ý thức dung nạp kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể hợp lý so với calo tiêu hao”, ông Vương nêu rõ.
Theo đánh giá sơ bộ, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường và nước giải khát sẽ tác động rất tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành này, ngăn trở đà phục hồi và tăng trưởng của ngành, và nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, xã hội trong bối cảnh kinh tế nước ta đang khó khăn.
Bên cạnh đó, chính sách thuế có tác động không nhỏ đến sức hút môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã rất tích cực đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua đầu tư trực tiếp và gián tiếp, tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trên cả nước.
"Về tổng thể, các doanh nghiệp trong ngành nước giải khát lúc này rất cần môi trường chính sách ổn định để tiếp tục phát triển, đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam", ông Vương nêu rõ.
Theo lộ trình, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 đối với Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khía XV vào tháng 10 và thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.
Tại Dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% nhằm hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì do Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEP khuyến cáo.