|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VCBS: Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp sẽ giảm trong năm 2021

19:47 | 21/02/2021
Chia sẻ
Dựa trên kỳ vọng về mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2021, VCBS nhận định lợi suất trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 nhiều khả năng sẽ diễn biến đồng pha với xu hướng giảm.
VCBS: Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp sẽ có xu hướng giảm trong năm 2021 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Báo NLĐ.

Theo thống kê của Bộ Tài Chính, trong năm 2020, 437.668 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành theo hình thức riêng lẻ, tăng trưởng 38,6% so với năm trước.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá lượng phát hành trái phiếu danh nghiệp riêng lẻ duy trì mức tăng mạnh cho thấy nhiều nhà đầu tư tiếp tục lựa chọn đa dạng hóa danh mục đầu tư sang TPDN trong bối cảnh lãi suất giảm sâu.

Trong báo cáo triển vọng thị trường TPDN năm 2021 công bố mới đây, VCBS nhận định rằng lợi suất TPDN trong năm nay sẽ có xu hướng giảm.

Điều này bởi, VCBS kỳ vọng lãi suất huy động có thể giảm thêm, qua đó tiếp tục có một phần tiền gửi dịch chuyển sang các kênh đầu tư như TPDN nhằm tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn. 

Đây tiếp tục được xem là động lực tăng trưởng nhu cầu TPDN đối với nhà đầu tư cá nhân. Trong khi đó, nhu cầu mua TPDN của nhà đầu tư tổ chức vẫn luôn hiển hiện và càng mãnh liệt hơn trong bối cảnh lãi suất thấp.

Đồng thời, lãi suất huy động ổn định ở mặt thấp đủ lâu là tiền đề cho xu hướng giảm của lãi suất cho vay.

Nhìn chung, VCBS kỳ vọng lãi suất huy động sẽ giảm 0,5 điểm % so với cuối năm 2020 và sau đó ổn định ở mặt bằng thấp. Trong khi đó, lãi suất cho vay có thể giảm 0,3 - 0,5 điểm% do độ trễ giữa giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ mất ít nhất 6 tháng, thậm chí dài hơn.

Dựa trên nền tảng kỳ vọng về mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2021, VCBS nhận định lợi suất trái phiếu doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ diễn biến đồng pha với xu hướng giảm.

Việc lãi suất có thể tiếp tục giảm, song song với đó nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng tăng lên trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, là tiền đề để lượng phát hành TPDN tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021.

Ngoài ra, việc NHNN chủ trương xây dựng cơ cấu tín dụng bền vững hơn, theo đó, giữ tỷ trọng vừa phải đối với lĩnh vực cho vay bất động sản, cũng là yếu tố giúp thúc đẩy nhu cầu phát hành TPDN.

Tuy vậy, VCBS cũng lưu ý các ngân hàng trong giai đoạn cuối năm 2020 đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay và định hướng này sẽ tiếp tục được thục hiện trong năm 2021. Như vậy, kênh tín dụng ngân hàng trở thành lựa chọn cạnh tranh hơn đối với các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn.

Bên cạnh đó, việc hàng loạt quy định pháp lý mới liên quan đến thị trường TPDN được ban hành cũng có thể tạo ra độ trễ từ 3 đến 6 tháng để công tác tổ chức phát hành làm quen với thủ tục mới.

Một điểm được VCBS đặc biệt nhấn mạnh là điều khoản thi hành đối với nghị định 155. Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2023, các khoản trái phiếu theo quy định tại khoản 2 điểu 19 phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Tính đến hết năm 2020, mới có 2 đơn vị chính thức tại Việt Nam nhận được giấy phép xếp hạng tín nhiệm là Công ty Cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Rating và FiinGroup với thương hiệu Fiin Ratings.

Xét một cách tổng thể những yếu tố thuận lợi cũng như rào cản, VCBS thống nhất nhận định rằng hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ vẫn được các tổ chức phát hành ưu tiên lựa chọn.

Tuy nhiên, với việc cần thời gian để thích nghi với các điều kiện pháp lý, khối lượng phát hành sẽ có xu hướng suy giảm so với cùng kỳ ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2021.

Lê Huy

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.