|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VCBS: Lợi nhuận Petrolimex sẽ giảm 22% quý III, ghi nhận khoản chi phí bất thường khá lớn vì 'ba tại chỗ'

07:01 | 10/09/2021
Chia sẻ
Trong quý III, VCBS nhận định đợt dịch lần 4 sẽ tác động đến sản lượng nhiều hơn là ảnh hưởng về giá của Petrolimex. Ngoài ra tập đoàn có thể ghi nhận khoản chi phí bất thường khá lớn vì chính sách "3 tại chỗ".
'Petrolimex có thể lãi 720 tỷ đồng trong quý III - Ảnh 1.

Một cửa hàng xăng dầu Petrolimex tại quận 1, TP HCM. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) vừa công bố báo cáo dự phóng kết quả kinh doanh quý III cũng như cả năm 2021 của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX).

Cụ thể, doanh thu của Petrolimex được ước tính sẽ đạt 34.200 tỷ đồng trong quý III, lợi nhuận khoảng 720 tỷ, lần lượt tăng 24% và giảm 22% so với kết quả cùng kỳ.

Theo VCBS, sự trở lại của COVID - 19 gây ra thiệt hại lên yếu tố sản lượng nhiều hơn là tác động về giá cho Petrolimex.

Riêng quý III, tác động của đợt dịch lần 4 đối với tập đoàn sẽ nhẹ hơn những gì diễn ra nửa đầu năm ngoái do giá dầu Brent vẫn ở mức cao và sẽ không có các khoản trích lập dự phòng hàng tồn kho như 6 tháng đầu năm 2020.

Với đợt dịch lần này, các nhà phân tích ước tính tiêu thụ xăng dầu trong nước của Petrolimex cũng sẽ giảm nhanh trong nửa cuối năm, với khoảng 4,2 triệu tấn sản phẩm, giảm 15% so với cùng kỳ (tiêu thụ nửa đầu năm là 4,7 triệu tấn). Mức độ ảnh hưởng lần này đến tổng cầu sẽ đáng kể hơn những lần trước, báo cáo chỉ rõ.

Bên cạnh đó, VCBS cũng dự báo trên báo cáo quý III của Petrolimex sẽ có khoản chi phí bất thường khá lớn tương ứng với quy mô của tập đoàn do tác động của chính sách "3 tại chỗ".

Tổng thể cả năm, doanh thu của Petrolimex được dự báo khoảng 152.000 tỷ đồng và 3.700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 22,5% và gấp 2,95 lần so với kết quả năm ngoái.

'Petrolimex có thể lãi 720 tỷ đồng trong quý III - Ảnh 4.

Nguồn: VCBS.

Trong báo cáo trước đó, VCBS cho rằng năm 2021 sẽ trở thành một năm nổi bật của ngành dầu khí toàn cầu nhờ nhu cầu dầu phục hồi, cũng như triển vọng kinh tế toàn cầu góp phần thúc đẩy giá dầu tăng trong tương lai gần.

Bên cạnh đó là nhiều loại hàng hóa sẽ trải qua xu hướng tăng mạnh do chính sách tiền tệ nới lỏng ở các nước phát triển, đặc biệt là do dự trữ đồng USD tăng ở các nước bên ngoài Mỹ xảy ra như một điều hiển nhiên khi FED thực hiện nới lỏng định lượng.

Tuy nhiên, giá dầu thế giới đang diễn biến dưới tác động của cả yếu tố tích cực và tiêu cực. Trong đó, thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ hỗ trợ giá dầu trong nửa cuối năm 2021. Ngược lại, làn sóng đột biến thứ 4 của COVID-19 đang gây ra lo ngại về sự phục hồi hình chữ V của nền kinh tế toàn cầu.

Do đó, các chuyên gia dự báo giá dầu Brent có thể không ổn định ở mức 70 USD/thùng trong nửa cuối năm.

Việc giá dầu Brent ổn định sẽ đảm bảo cho các tập đoàn hoạt động kinh doanh xăng có lượng hàng tồn kho dự trữ cao không bị mất mát. Điều này đồng nghĩa sẽ không xuất hiện các khoản trích lập dự phòng hàng tồn kho như đợt sóng COVID-19 đầu năm ngoái.

'Petrolimex có thể lãi 720 tỷ đồng trong quý III - Ảnh 2.

Nguồn: VCBS.

Mỹ Linh

Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Nhiều đơn vị phân tích đều đánh giá ngành thép sẽ chịu tác động tiêu cực sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cổ phiếu thép liên tục đỏ lửa sau ngày công bố kết quả bầu cử cho thấy những góc nhìn kém lạc quan của nhà đầu tư về ngành này.