Vào TPP, ưu ái có nghiêng về nhà đầu tư ngoại?
|
Tại hội thảo, các diễn giả cho biết, nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng kiện Chính phủ Việt Nam nếu vi phạm chuẩn đối xử tối thiểu - nguyên tắc đã được đàm phán rất gay gắt trong TPP. Theo đó, Việt Nam phải đảm bảo công lý cho các nhà đầu tư thông qua các thủ tục tố tụng, toà án...
Các nhóm nguyên tắc cam kết sẽ can thiệp vào quyền ban hành chính sách của Việt Nam. Tuy không yêu cầu cụ thể Việt Nam phải làm gì, nhưng sẽ bắt buộc không được vi phạm các nguyên tắc về mở cửa thị trường và bảo vệ tài sản cho nhà đầu tư.
Ngay khi nhà đầu tư chứng minh được các biện pháp chính quyền đưa ra làm nhà đầu tư thu được lợi nhuận ít hơn kì vọng cũng có thể bị kiện.
Theo ông Phạm Mạnh Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) rất rộng. "Hành xử của bất kì cơ quan nhà nước địa phương hay doanh nghiệp nhà nước nào để tạo ra sự phân biệt đối xử đều có thể bị tính là tranh chấp nhà nước, không riêng gì các bộ ngành, Chính phủ", ông Dũng lưu ý.
Hiện nay, nhiều cơ quan nhà nước, tòa án địa phương không tham gia trực tiếp vào các FTA này nên hiểu biết rất ít về nghĩa vụ thực hiện. Họ có thể rơi vào tình huống vi phạm mà không biết và đồng thời không có ý thức về nghĩa vụ phải thực hiện các cam kết TPP, bà Đinh Ánh Tuyết, Trưởng Văn phòng luật sư IDVN lo ngại.
Vì vậy, Việt Nam dễ dàng bị khởi kiện hơn theo Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và Nhà đầu tư nước ngoài (ISDS). Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI lý giải, khi tham gia TPP thì cơ chế này đã tự động 'kịch hoạt', tức là Nhà đầu tư nước ngoài có thể độc lập khởi kiện bất cứ khi nào họ cho rằng các chính sách gây thiệt hại cho họ.
So với các FTA, TPP là hiệp định cam kết chi tiết nhất về cơ chế giải quyết tranh chấp.
Trong khi nhiều chuyên gia đánh giá việc gia nhập TPP, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất về thương mại, ông Phạm Mạnh Dũng lại kì vọng, vấn đề đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ được tác động mạnh hơn bao giờ hết.
Theo ông Dũng, nguyên tắc cơ bản trong TPP yêu cầu phải đảm bảo thực thi pháp luật ở tất cả các cấp, chứ không chỉ đòi hỏi bổ sung quy định pháp luật. Ở Việt Nam hiện nay, dù có các quy định, nhưng việc thực thi còn đang bị xem nhẹ, điều này rất dễ dẫn đến bị các nhà đầu tư kiện. Kể cả các quy định của địa phương liên quan đến cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận đầu tư FDI, quyết định hành xử đều phải đảm bảo được tuân thủ.
Vì vậy, quá trình tham gia TPP 'kích thích' sửa đổi pháp luật, nhấn mạnh yêu cầu thực thi. Ông Dũng cho rằng, Việt Nam phải quan tâm xa hơn đến chuyện thiết lập cơ chế đảm bảo không vi phạm thực thi pháp luật trong tương lai, để tránh bị kiện. "Đó mới là câu chuyện trọng tâm", ông nói.
Tuy nhiên, theo các cam kết, nhà đầu tư trong nước không được phép nhận ưu đãi cao hơn nhà đầu tư TPP. Luật và chính sách chỉ có thể sửa cho theo hướng thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, còn ưu đãi cho các nhà đầu tư trong nước là 'bất khả thi'. "Dường như nhà đầu tư nước ngoài đang được thuận lợi hơn", bà Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI đánh giá.
Bà lưu ý, các nhà đầu tư trong nước cần đặc biệt quan tâm đến những quy tắc tại các hiệp định thương mại này. Các nhà đầu tư nước ngoài với cam kết TPP có rất nhiều quyền, do đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho mình. Vì hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có cam kết ưu đãi cho các doanh nghiệp trong nước tương tự quyền lợi của khối TPP.