|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vào siêu thị mua thủy, hải sản truy xuất nguồn gốc

17:38 | 30/12/2016
Chia sẻ
Từ giữa năm 2016, các bếp trưởng khách sạn, nhà hàng cấp cao ở Việt Nam đều rất hồ hởi với việc tìm mua nguồn nguyên liệu thủy hải sản trong nước thay vì phải chờ đợi nhập khẩu từ nước ngoài như trước đây.
vao sieu thi mua thuy hai san truy xuat nguon goc
Ảnh minh họa: Dân Việt

Các bà mẹ tiêu dùng thông thái thì bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm mua hải sản an toàn trên mạng tại các hệ thống siêu thị lớn chú trọng tới tiêu chuẩn sạch, an toàn như các nước EU, Mỹ, Nhật,… Bếp trưởng Nguyễn Minh Hải cho biết, thay vì phải chờ đợi nguồn hàng nhập từ Nhật, Na Uy,… về như trước, giờ anh có thể tới Metro để chọn hàng hải sản có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nuôi trồng theo quy trình VietGap.

Chị Lan Hương chia sẻ trên mạng “các mẹ thông thái hãy chọn cá, tôm có đeo thẻ, đeo nơ ghi rõ xuất xứ sản xuất, nuôi trồng sạch, an toàn ra sao tại các siêu thị để đảm bảo sức khỏe cho gia đình thân yêu của mình nhé”

Chuyên gia Tổng cục Thủy sản Nguyễn Thị Băng Tâm cho hay, các sản phẩm thủy hải sản có truy xuất nguồn gốc (mà người tiêu dùng thường gọi là đeo thẻ, đeo nơ) là một phần trong dự án triển khai nuôi trồng thủy sản sạch theo quy trình VietGap mà Tổng cục thủy sản đang ttriển khai trong nhiều năm nay. Mã số tuy xuất nguồn gốc này là duy nhất đối với mỗi sản phẩm từ mỗi cơ sở nuôi.

Người tiêu dùng có thể nhập mã số chứng nhận VietGAP trên trang web vietgap.tongcucthuysan.gov.vn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đối với thủy sản sống bán lẻ (bán ở chợ) hiện tại chưa có dấu hiệu nào để nhận biết sản phẩm được chứng nhận VietGAP hay không được chứng nhận VietGAP.

Chuyên gia Nguyễn Thị Băng Tâm khuyến cáo người tiêu dùng: để mua được thủy hải sản đảm bảo sạch an toàn thì nên vào siêu thị chọn hàng có mã truy xuất nguồn gốc. Mã truy xuất nguồn gốc trên mỗi sản phẩm hàng hóa cũng là yêu cầu tất yếu để hàng thủy hải sản Việt Nam đặt chân vào được thị trường khắt khe như Châu Âu, Mỹ, Nhật,…

Từ năm 2012, sau khi ngày Bộ Nông nghệp và Phát triển Nông thôn ban hành thông tư 48 về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, thì đã có hơn 200 giấy chứng nhận VietGAP được cấp tự động, công khai minh bạch cho khoảng 300 cơ sở nuôi trồng thủy sản kể từ. Tổng cục Thủy sản đã xây dựng website vietgap.tongcucthuysan.gov.vn để quản lý toàn bộ chương trình này. Mã số chứng nhận VietGAP được cấp tự động một cách công khai, minh bạch, và duy nhất trên website này.

Chuyên gia thủy sản Nguyễn Tử Cương – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Trưởng ban Phát triển Thủy sản bền vững (Hội Nghề cá VN) cũng đưa ra nhận định, tuân theo quy trình nuôi trồng VietGap không chỉ đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng mà bản thân người nuôi trồng thủy hải sản cũng thu được lợi nhuận ngay thông qua việc tiết kiệm chi phí thức ăn, chi phí hóa chất, chế phẩm sinh học, thủy sản có tỷ lệ sống cao, lớn nhanh, thời gian nuôi giảm.

Đó là những lợi nhuận dễ nhìn thấy nhất. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cũng có 3 cái lợi: Áp dụng VietGAP thì ô nhiễm môi trường sẽ giảm xuống mức thấp nhất; việc phát triển VietGAP phải theo quy hoạch, và người nuôi muốn được cấp chứng nhận VietGAP thì phải tuân thủ quy hoạch. Tất cả các thành viên của FAO đều phải áp dụng GAP, như vậy Việt Nam làm GAP là đã hội nhập với thế giới.

Những năm gần đây, đặc biệt như năm 2016, nông, lâm thủy sản muốn xuất khẩu đều phải được cấp chứng nhận VietGAP, và có mã truy xuất nguồn gốc. Vậy nên việc Tổng cục thủy sản thí điểm kết nối người nuôi trồng với nhà phân phối để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm thủy hải sạch tuân thủ theo quy trình VietGap là một việc làm rất hữu ích cho người tiêu dùng và các hoạt động quản lý nhà nước.

P.V