|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vàng vẫn được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng

18:18 | 20/02/2021
Chia sẻ
Thị trường vàng trong nước và thế giới vừa trải qua một tuần sụt giảm khá mạnh. Giá vàng trong nước đã rời khỏi mốc 57 triệu đồng/lượng còn giá vàng thế giới giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 1/2021. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn nhận định, kim loại quý này vẫn được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng.

Giá vàng trong nước trong ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết đã bất ngờ rời khỏi mốc 57 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới chạm mức thấp nhất trong hơn một tuần, giữa bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cao hơn.

Kim loại quý tiếp tục giảm mạnh và lùi về sát mốc 56 triệu đồng/lượng ở hai phiên cuối tuần trong bối cảnh giá vàng thế giới xuống gần mức thấp nhất trong 11 tuần khi tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về đà phục hồi kinh tế thúc đẩy lợi suất trái phiếu và khiến kim loại quý này kém hấp dẫn hơn.

Cuối giờ sáng 20/2, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 55,7 - 56,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Các doanh nghiệp trong nước đang chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Thần tài (Mùng 10 tháng Giêng).

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng cho biết, ngay từ ngày đầu tiên mở cửa giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán (Mùng 6 Tết) và các phiên giao dịch trước ngày Thần Tài lượng khách đến các cơ sở kinh doanh mua sắm tăng hơn so với thời điểm cận Tết vừa qua. Dịp này, nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu mua vàng lấy may của người dân cũng được các doanh nghiệp tung ra.

Dịp Thần tài năm 2021 rơi đúng vào thời điểm dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều có chiến lược thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, hướng tới mua sắm an toàn. Để phòng chống dịch, các nhà vàng đều triển khai hình thức bán hàng trực tuyến, vừa để giảm tải số lượng khách đến cửa hàng, tránh tập trung đông người.

Vàng được xem là một kênh phòng ngừa lạm phát, kỳ vọng lạm phát cao sẽ thúc đẩy lãi suất tăng, qua đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý không sinh lời. Các nhà phân tích cho biết vàng vẫn được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng và môi trường lãi suất thấp trong năm nay. Chuyên gia phân tích từ Commerzbank cho biết biến động của giá vàng tương tự như diễn biến của một cơn sóng thần, khi giá giảm trong giai đoạn đầu trước khi quay trở lại dữ dội hơn.

Các nhà đầu tư vẫn tập trung vào tiến trình triển khai gói kích thích kinh tế liên quan đến dịch COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ. Doanh số bán lẻ của Mỹ đã phục hồi trong tháng Một vừa qua, trong khi chỉ số giá sản xuất của nước này tăng mạnh nhất kể từ năm 2009, cho thấy lạm phát đang bắt đầu gia tăng.

David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho biết nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ phục hồi dần dần. Sự lạc quan về việc có thể kiểm soát dịch COVID-19 đang được thể hiện qua việc đồng USD tăng lên và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chạm mức lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.

Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA cho biết vàng có thể tăng trở lại khi các đồng tiền khác tăng so với đồng USD vào cuối năm nay.

Michael Langford, Giám đốc công ty cố vấn AirGuide lại cảnh báo rằng các loại tài sản khác cũng như các loại hàng hóa đang mở ra một kênh đầu tư hấp dẫn hơn vàng hiện nay.

Còn chiến lược gia hàng hóa của TD Securities Daniel Ghali cho biết, vàng đang chuyển dần khỏi vai trò là một tài sản phòng ngừa lạm phát như phần lớn thời gian của năm 2020, để tiếp tục trở thành một tài sản trú ẩn an toàn, khi lợi suất trái phiếu gia tăng.

Đỗ Huyền