Vàng miếng 'cháy hàng' khi giá tăng thẳng đứng
Ngày 9/5, giá vàng miếng SJC chứng kiến đà tăng phi mã 3 triệu đồng, vọt lên 92,4 triệu một lượng. Ghi nhận của VnExpress cho thấy người dân tiếp tục đổ xô mua vào, giao dịch sôi động khiến nhiều nơi "cháy hàng".
Tại Hà Nội, tình trạng khan vàng miếng và nhẫn tròn trơn diễn ra trên diện rộng.
Nhìn bảng giá cập nhật từng phút, Duy Anh (Cầu Giấy) sốt ruột gọi cho tất cả cửa hàng vàng của SJC, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. "Anh thông cảm, cửa hàng đã hết sạch vàng miếng và nhẫn trơn", nhân viên SJC Giang Văn Minh nói với Duy Anh qua điện thoại.
Các cửa hàng tư vấn anh gọi lại vào sáng mai, nhưng không hứa trước có vàng để mua hay không. "Hiện tại cửa hàng chưa có lịch nhập hàng mới, nên mai anh gọi lại để có thông tin", nhân viên này nói.
Tại những hàng vàng khác, nhân viên bảo vệ từ chối nhận khách mới từ cuối giờ sáng, vì hàng không đủ đáp ứng. "Nếu không đặt trước thì mai anh quay lại, cửa hàng đã hết vàng", nhân viên một tiệm trên đường Cầu Giấy nói với khách hàng. Trước đó, từ chiều qua, nhà vàng này đã trong tình trạng "cháy hàng", người mua xếp hàng chờ tràn lối đi.
Đến buổi trưa, phần lớn các tiệm đều hết vàng miếng, chỉ còn lại một ít nhẫn trơn 24K và vàng chế tác riêng từng thương hiệu.
Với những khách hàng may mắn kịp đến xếp hàng, họ cũng bị hạn chế lượng mua. Một số hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông bán theo dạng "ghi nợ", tức khách trả tiền và chốt giá ở hiện tại, nhưng nhận vàng sau 2-4 tuần.
Một cửa hàng chỉ cho khách mua tối đa 5 lượng, nhưng nhận trước 1 lượng và 4 lượng lấy sau hai tuần tới. Tại một tiệm khác, khách phải thanh toán toàn bộ tiền và chốt giá, còn vàng nhận sau 1-1,5 tháng.
Thanh Tú, một nhân viên văn phòng ở Đống Đa, xin nghỉ làm để xếp hàng mua vàng. Cô muốn mua để tích trữ và chuẩn bị tặng người bạn thân sắp lấy chồng. "Giá tăng nhanh quá nên tôi càng sốt ruột, tính ra 5 chỉ vàng nếu mua sớm hơn một tuần đã lời được vài triệu đồng", Tú nói.
Tại TP HCM, trụ sở của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) là nơi tập trung giao dịch vàng miếng của thành phố, cũng nhộn nhịp khách. Công ty giới hạn mỗi người chỉ được mua tối đa một lượng vàng miếng, giảm so với mức 3 lượng vào hôm qua.
Tương tự, nhẫn trơn cũng bị hạn chế khi mỗi người được mua tối đa 3 chỉ. Nhiều khách cho biết phải xếp hàng trong nhiều ngày để mua được đủ số mong muốn.
Tại các cửa hàng của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, khách lẻ đến giao dịch thưa thớt. Tuy nhiên, nhân viên các tiệm này cho biết cũng không đủ vàng miếng để bán.
Riêng với nhẫn trơn, nhân viên của DOJI nói nếu mua trên 1 lượng, khách có thể đặt cọc tiền và chốt giá với hãng, khi có hàng họ sẽ gọi điện thoại để tới lấy.
Tình trạng khan vàng miếng cũng diễn ra tại hệ thống Mi Hồng - một thương hiệu lâu đời tại địa bàn phía Nam. Một cửa hàng Mi Hồng nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), trưa nay hết hàng. Cửa hàng còn lại của doanh nghiệp này gần đó cho biết vẫn còn vàng miếng 1 chỉ, song hết loại 1 lượng.
"Lúc nãy tôi gọi, cửa hàng vẫn nói có vàng miếng một lượng. Nhưng tới nơi, họ lại nói hết hàng, mất thời gian tôi đi đường xa tới đây", một nữ khách hàng cho hay.
Vàng miếng SJC chưa dứt đà tăng. Lúc 15h10 Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua bán 90,1 - 92,4 triệu đồng một lượng, cao hơn 3 triệu đồng so với cuối ngày hôm qua. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay và đang chênh so với thế giới gần 20 triệu đồng.
Trái với kỳ vọng giảm nhiệt kim loại quý thông qua đấu thầu tăng cung, giá tăng cao và giao dịch sôi động trước các phiên thầu "ế ẩm" gần đây. Theo chuyên gia, muốn giảm chênh lệch với quốc tế, nhà điều hành cần tung ra lượng vàng đủ lớn với giá sát hoặc thấp hơn trong nước.
"Việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu với giá cao và nhỏ giọt như hiện nay, tạo ra hiệu ứng ngược, khiến tâm lý tích trữ lên cao trong bối cảnh nhiều biến động", một chuyên gia nhìn nhận.
Theo các chuyên gia, vàng vẫn còn sức hút lớn. Để giảm sức hút này còn phụ thuộc diễn biến giá thế giới, nhưng quan trọng là phải đảm bảo giá trị của đồng tiền Việt Nam, củng cố niềm tin của người dân với đồng nội tệ.