|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vận hành 1,5 năm nhưng Việt Nam chưa thực sự có 4G

07:25 | 07/04/2018
Chia sẻ
Dịch vụ Internet di động băng thông rộng thế hệ thứ tư (còn được gọi là 4G) đã được các nhà mạng cung cấp tại Việt Nam một năm rưỡi nay, nhưng theo các chuyên gia, tốc độ được cung cấp cho người sử dụng chưa thực sự đạt tiêu chuẩn công nghệ 4G.
van hanh 15 nam nhung viet nam chua thuc su co 4g Mạng di động 4G tại Việt Nam: Rẻ thì có rẻ, nhưng hay 'chập chờn'
van hanh 15 nam nhung viet nam chua thuc su co 4g Tốc độ phát triển 4G ở VN không cao

Phát biểu tại hội thảo quốc tế 4G/5G 2018 diễn ra vào ngày 6-4, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng hiện tốc độ 4G được cung cấp cho người dùng tại Việt Nam chưa đạt được tốc độ tiêu chuẩn của nó, bởi bị giới hạn bởi độ rộng băng tần và số người sử dụng.

van hanh 15 nam nhung viet nam chua thuc su co 4g
Tốc độ mạng 4G cung cấp cho người sử dụng ở Việt Nam còn chưa cao. Ảnh minh họa: Vân Ly

Thực tế cho thấy hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang cung cấp dịch vụ 4G trên băng tần 1800 MHz. Trong khi đó băng tần có thể giúp cho tốc độ 4G tại Việt Nam tốt hơn lại là 2,6 MHz.

Ông Hoan cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông định đấu giá băng tần 2,6 MHz trong năm nay cho các nhà mạng cung cấp 4G, nhưng khi Luật Đấu giá tài sản công thay đổi thì kế hoạch này phải dừng lại để theo luật mới.

Thông tin được ban tổ chức hội thảo cung cấp, năm 2017 tốc độ truyền tải dữ liệu trung bình của mạng 4G tại Việt Nam là 35-37 Mbit/giây, cao gấp 3,5 đến 4,5 lần so với tốc độ trung bình của mạng 3G hiện tại. Thông tin này đã minh chứng cho điều ông Hoan nêu trên về tốc độ 4G tại Việt Nam. Bởi theo Liên minh Viễn thông thế giới, tốc độ truyền tải dữ liệu của 4G có thể cao hơn 3G đến hàng chục lần.

Bên lề sự kiện, ông Jim Cathey, Phó Chủ tịch cấp cao và Chủ tịch Qualcomm Technologies khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ, nói với TBKTSG Online rằng, để nâng cao chất lượng (tốc độ) 4G tại Việt Nam cần có sự kết hợp nhiều yếu tố; từ chính sách của nhà nước, nỗ lực của doanh nghiệp và sự tham gia của người sử dụng. Chính phủ cần sớm cấp giấy phép sử dụng băng tần 2,6 MHz cho các nhà mạng cung cấp 4G, các doanh nghiệp viễn thông cần tối ưu hóa mạng lưới và người sử dụng phải đầu tư thiết bị đầu cuối (điện thoại thông minh, máy tính bảng) cho phép hỗ trợ 4G với tốc độ cao.

Hiện Qualcomm đang cung cấp chipset thế hệ mới cho các nhà sản xuất thiết bị trong nước nhằm sản xuất những thiết bị cho phép cải thiện tốc độ 4G.

Từ kinh nghiệm hợp tác với các nhà mạng để triển khai 4G tại nhiều nước trên thế giới, ông Jim Cathey cho rằng rất ấn tượng với vùng phủ sóng 4G của Việt Nam, bởi chỉ sau 18 tháng cung cấp dịch vụ, mạng 4G của Việt Nam đã phủ sóng tới 95% dân số.

Còn ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho rằng thời gian tới tốc độ phát triển thuê bao 4G tại Việt Nam sẽ tăng lên nhiều.

Hiện chưa có con số chính thức nhưng theo ước tính của các chuyên gia, Việt Nam có hơn 10 triệu khách thuê bao 4G, con số vẫn còn khá thấp so với hơn 100 triệu lượt thuê bao di động (bao gồm cả 2G, 3G và 4G).

Trước xu hướng hoạt động chuẩn bị cho 5G đang diễn ra trên toàn thế giới, ông Nam cho rằng mặc dù 4G mới được triển khai tại Việt Nam trong 2 năm qua nhưng Việt Nam hiện đang đi sau nhiều nền kinh tế trên thế giới trong việc ứng dụng công nghệ này. Do đó, ngay từ giờ Chính phủ cần có những bước chuẩn bị cho việc triển khai 5G.

“Việt Nam đã triển khai 4G chậm so với thế giới thì với 5G không nên chậm hơn. Bởi công nghệ 4G được dùng cho thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng) còn 5G lại dùng cho máy móc và phương tiện (ô tô thông minh, thiết bị y tế thông minh, nhà thông minh… cần băng thông kết nối lớn và tốc độ cao). Việt Nam nên triển khai 5G vào năm 2020”, ông Nam nói.

Qualcomm cho rằng 5G không chỉ cho phép tốc độ kết nối Internet di động nhanh hơn 4G rất nhiều lần mà còn rất phù hợp để triển khai tại Việt Nam, bởi Việt Nam đang trở thành điểm đến thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào công nghiệp chế tạo. Mà trong tương lai, với xu hướng IoT (Internet kết nối vạn vật) thì việc kết nối không dây sẽ rất quan trọng.

Các chuyên gia cũng lưu ý việc tiến lên 5G không phải là bỏ đi các công nghệ, hạ tầng cũ (3G, 4G) mà là những bước phát triển kế tiếp phục vụ cho những nhu cầu đa dạng khác nhau.

Vân Ly