Các 'đại gia' công nghệ 5G sẽ không lặp lại những sai lầm như 4G
Chỉ riêng Apple lại tỏ ra “thờ ơ” với cơn sốt này và thông báo sẽ không có mẫu iPhone 5G nào cho đến ít nhất là năm 2020. Quyết định này khiến nhiều người yêu thích “Trái táo khuyết” tỏ ra thất vọng, nhưng giới chuyên gia cho rằng đây là một bước đi khôn ngoan khi nền tảng phục vụ công nghệ 5G còn trong giai đoạn sơ khởi.
Mới chỉ là thử nghiệm
Sự thờ ơ của Apple không có nghĩa là công nghệ 5G không có nhiều tiềm năng to lớn. Samsung Electronics mới đây đã cho biết họ đã đạt được tốc độ kết nối và truyền dữ liệu từ mạng 5G lên tới 1,7Gb/giây, với sự kết hợp giữa dịch vụ kết nối không dây Spectrum của Verizon và chip modem Snapdragon X50 5G của Qualcomm.
Hàn Quốc - Nước đầu tiên trên thế giới cung cấp dịch vụ 5G. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Hàn Quốc - Nước đầu tiên trên thế giới cung cấp dịch vụ 5G. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Đó là kết quả thử nghiệm cao nhất, nhưng ngay cả mô hình thế giới thực của Qualcomm cũng cho thấy một bước nhảy ấn tượng với tốc độ đường truyền khoảng 490Mb/giây – vượt trội hơn so với tốc độ 20 Mb/giây đến 50 Mb/giây của các mạng 4G LTE ngày nay.
Nhưng hãy chú ý điều này: cả Samsung Electronics và Qualcomm đều mới chỉ đưa ra kết quả thử nghiệm. Chưa có nhà mạng hay nhà sản xuất nào thử nghiệm các thiết bị 5G ngoài môi trường đô thị và đưa ra các kết quả thực tế.
Tại hội nghị về 5G của Qualcomm tổ chức tại Hawaii (Mỹ) vào hồi đầu tháng 12, những người tham dự chỉ được ngắm mà không được chạm vào mẫu điện thoại Samsung 5G, Moto Mod 5G và một vài thiết bị di động 5G khác.
Không thiết bị nào trong số đó có tốc độ đường truyền cao hơn 140Mb/giây. Bên cạnh đó, 5G còn có một yếu điểm đặc biệt khó chịu. Tốc độ đường truyền tối đa của 5G đến từ sóng vô tuyến trong dải tần millimeter-wave (mmWave), đại diện cho phổ vô tuyến giữa 24 và 300 GHz.
Nhưng bất cứ ai đã từng thử “bại tướng” WiMAX – một thời từng là đối thủ trực tiếp với mạng 4G LTE - đều biết vấn đề lớn nhất với các đường truyền tần số cao này là chúng rất khó có thể xuyên qua tường hoặc các chướng ngại vật lý khác. Trong khi đó, các nhà sản xuất lại cho biết các thiết bị đầu cuối có thể đảm bảo 5G có chất lượng và tốc độ đường truyền tối ưu nhất sẽ chỉ xuất hiện vào nửa cuối năm 2019.
Nói một cách đơn giản, các smartphone 5G đầu tiên ra mắt vào năm 2019 sẽ dành đa số thời gian chạy trên mạng 4G LTE, bởi đây là mạng tương thích và khả dụng duy nhất mà những thiết bị này có thể kết nối.
Bên cạnh đó, gần như những gì 5G làm được, 4G cũng đã đáp ứng được tương đối. Sự chuyển đổi từ 3G lên 4G đã giúp giải phóng một số ứng dụng và dịch vụ trên smartphone – như lưu giữ ảnh trên đám mây hoặc nghe nhạc trực tuyến thay vì phải tải về. Song những dịch vụ “đắt giá” có thể tận dụng hết tiềm năng của 5G lại chưa được phát triển hoàn toàn.Tại hội nghị 5G tổ chức ở Hawaii hồi đầu tháng 12, những nhà phát triển 5G đã trình diễn một bản demo streaming thực tế ảo (VR).
Nhưng VR cũng là một công nghệ khác đang trong quá trình hoàn thiện và xây dựng một ứng dụng thực sự hấp dẫn. Nếu không có có một ứng dụng thực sự hấp dẫn vào năm 2019, việc chuyển đổi từ 4G lên 5G sẽ không mang đến nhiều lợi ích vượt trội, trong khi chi phí lại khá lớn cho cả người dùng và nhà sản xuất.
“Đầu tiên” chưa chắc sẽ là “đầu bảng”
Có lẽ nhiều người dùng đã không còn nhớ tới HTC ThunderBolt. Được ra mắt vào năm 2011, mẫu điện thoại từng được kỳ vọng này đã tích hợp công nghệ 4G quá sớm rồi sau phải trả giá bằng việc hy sinh thời lượng pin và thiết kế khá “thô”.
Các thiết bị 5G vào năm 2019 sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản tương tự những gì thiết bị 4G phải vượt qua vào năm 2011. Các mạng 5G ban đầu sẽ có vùng phủ sóng trên một khu vực hạn chế, trong khi các thiết bị sẽ không có hiệu năng pin hay dung lượng bộ nhớ hiệu quả như những mẫu 4G đã hoàn thiện. Vì vậy, những trải nghiệm đầu tiên mà người dùng sẽ nhận được từ công nghệ mới “bỏng tay” là thời lượng pin cạn kiệt nhanh chóng trên một thiết bị mạnh hơn bình thường.
Giới quan sát cho rằng các “đại gia” công nghệ hiện đại sẽ không bất cẩn để lặp lại những sai lầm như với 4G. Nhưng trong một lĩnh vực siêu cạnh tranh như smartphone Android, các nhà sản xuất phải tự tạo ra những điểm khác biệt cho sản phẩm, từ thiết kế đến công nghệ tiên phong.
5G hiện là một từ khóa gây sốt, nên việc Samsung, Huawei, Xiaomi và Oneplus đều lần lượt công bố kế hoạch ra mắt một chiếc smartphone 5G vào năm tới là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng cũng như bài học với HTC ThunderBolt, kẻ tiên phong chưa chắc là người chiến thắng.
Hiện chỉ có Apple phần nào tỏ ra “miễn nhiễm” đối với cuộc đua này. Trước đó vào năm 2011, “táo khuyết” cũng đã đứng ngoài cuộc đua 4G trước khi ra mắt iPhone 4G đầu tiên vào năm 2012 sau đó. Hệ thống khách hàng trung thành cho phép Apple có thể bỏ qua cuộc chiến sống còn giữa các sản phẩm đang trong giai đoạn phát triển và chỉ đưa một sản phẩm tối ưu vào thời điểm thích hợp.
Nhưng đối với trường hợp 5G, Apple cũng bị hạn chế phần nào bởi các mối quan hệ không mấy “cơm lành canh ngọt” với Qualcomm – một trong những công ty tiên phong về công nghệ 5G, trong khi đối tác Intel của “táo khuyết” sẽ chưa sản xuất được chip hỗ trợ 5G trước năm 2020.
Không nghi ngờ rằng 5G sẽ là một bước tiến lớn cho công nghệ kết nối di động. Nhưng triển vọng của công nghệ này sẽ chưa được chứng minh rõ ràng trong năm 2019. Và những sản phẩm mang tính “tiên phong” (mà nhiều hơn là thử nghiệm) chưa chắc đã xứng đáng với mức giá đắt hơn từ 200-300 USD như theo dự báo của CEO OnePlus Pete Lau.
Trong những năm tới, các nhà mạng và nhà sản xuất điện thoại sẽ tìm ra cách tối đa hóa phạm vi phủ sóng, tối ưu hóa thời lượng pin và xây dựng thiết kế hài hòa các thành phần không dây khác nhau nằm trong thiết bị 5G của họ. Một khi quá trình này hoàn thành, giới đam mê công nghệ chắc chắn sẽ mở rộng vòng tay đón nhận công nghệ 5G.