|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam sẽ thử nghiệm mạng 5G vào năm 2019

20:57 | 14/11/2018
Chia sẻ
Năm 2019, VN sẽ thử nghiệm mạng 5G, và đến năm 2020, chúng ta là những nước đầu tiên triển khai công nghệ này. Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết như vậy.
viet nam se thu nghiem mang 5g vao nam 2019 Cây cầu vượt biển dài nhất thế giới sẽ có mạng 5G
viet nam se thu nghiem mang 5g vao nam 2019

Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết năm 2020, VN chính thức triển khai mạng 5G - Ảnh: LÊ KIÊN

Phát biểu khai mạc tại tọa đàm Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông ngày 14-11, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2019, Việt Nam sẽ thử nghiệm mạng 5G. Đến năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G thì Việt Nam cũng sẽ là những nước đầu tiên triển khai công nghệ này.

Đây sẽ là sự chuyển đổi về chất rất lớn trong ngành công nghiệp điện tử viễn thông nước nhà.

Theo ông Hùng, mạng 5G là hạ tầng quan trọng nhất của cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam muốn đi đầu trong cuộc cách mạng này thì mạng 5G phải đi trước và đi đầu. 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông Việt Nam, mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ICT nước nhà.

Để triển khai được 5G, trao đổi thêm với báo giới bên lề tọa đàm, Phó cục trưởng phụ trách Cục tần số (Bộ Thông tin và Truyền Thông), ông Lê Văn Tuấn cho biết Bộ sẽ cấp phép triển khai 5G, trong đó có cấp phép triển khai băng tần, cấp thêm những băng tần cho doanh nghiệp, xây dựng hệ thống cáp quang rộng khắp kết nối các trạm phát sóng 5G.

Dưới góc độ nhà cung cấp dịch vụ, Giám đốc Chiến lược Viettel ông Nguyễn Vũ Lưu cho biết, 5G đem lại lợi ích vượt trội so với mạng 3G và 4G. Tốc độ kết nối tăng lên gấp 20 lần, độ trễ giảm 20 lần và mật độ thuê bao có thể đáp ứng 1 triệu thiết bị /km2.

Để triển khai 5G hiệu quả nhất, ông Lưu kiến nghị nhà nước đẩy mạnh quá trình cấp phép tần số cho các nhà mạng có thể triển khai làm sao chọn tần số tối ưu, thuận tiện hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành viễn thông cũng đề xuất nhà nước cần rà soát chính sách, nhất là chính sách về thuế. Thực tế, doanh nghiệp viễn thông trong nước và nhiều sản phẩm của ngành này đang chịu bất lợi do chính sách thuế còn nhiều bất cập.

Ông Lưu dẫn chứng: chính sách thuế đối với sản phẩm thiết bị viễn thông như điện thoại, một số sản phẩm mà chúng ta nhập nguyên chiếc thì thuế nhập khẩu là 0%, do thực hiện cắt giảm theo các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, nhập khẩu linh kiện để sản xuất điện thoại lại phải chịu thuế nhập khẩu

"Chính vì lẽ đó, chính sách thuế đang không khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất kinh doanh mặt hàng viễn thông" - ông Nguyễn Vũ Lưu nêu.

Xem thêm

Lê Thanh