|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cuộc chiến giá của mạng 4G sắp bắt đầu

17:29 | 05/11/2016
Chia sẻ
Sau giai đoạn thử nghiệm, Viettel, MobiFone và VinaPhone… đang đếm ngược từng ngày để công bố sự phủ rộng toàn quốc dịch vụ mạng 4G của mình kèm những dấu hiệu sẽ có cuộc tranh tranh không nhỏ về giá.

Ngay sau khi thử nghiệm cung ứng dịch vụ mạng 4G (4G LTE Advanced) từ tháng 1/2017 tại TP HCM và Phú Quốc, ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho biết, VinaPhone chính thức cung cấp 4G tại Phú Quốc ngày 3/11 này.

Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi VNPT vừa chính thức nhận được giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất và Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông trên nền công nghệ 4G của Bộ Thông tin – Truyền thông hôm 28/10/2016. Phía VinaPhone cho biết đã hoàn tất phủ mạng 4G cho toàn bộ huyện đảo Phú Quốc. Nhà mạng này cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn đầu, giá cước 4G sẽ được tính như cước dữ liệu thông thường, khách hàng đến Phú Quốc sẽ được đổi SIM 4G miễn phí.

Thay vì giữ nguyên giá cước 4G bằng 3G như VinaPhone, thậm chí phía Viettel còn có tuyên bố "gây sốc" hơn về giá.

“Trong nhiều lĩnh vực kể cả viễn thông, hầu hết các công ty đều định giá đắt đối với các sản phẩm công nghệ mới nhằm mục tiêu “hớt váng” nhưng Viettel lại tư duy khác, công nghệ mới cần được phổ cập cho số đông, và vì thế, giá thành sẽ rẻ nhờ lợi thế quy mô. Với 4G, giá cước sẽ rẻ hơn 3G, đồng thời chúng tôi cũng sẽ tạo ra các gói cước linh hoạt để khách hàng được sử dụng với mức chi phí hợp lý nhất”, ông Hoàng Sơn - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định.

cuoc chien gia cua mang 4g sap bat dau

Cuộc cạnh tranh về giá 4G của các nhà mạng được dự báo sẽ rất căng thẳng.

Trước đó, Viettel cũng vừa nhận được giấy phép cung cấp dịch vụ 4G chính thức hôm 14/10. Nhà mạng này cho biết đã bắt tay vào đầu tư thiết bị và xây lắp hạ tầng. Ông Hoàng Sơn cho hay, dự kiến dịch vụ 4G của Viettel sẽ chính thức khai trương vào quý I/2017 với vùng phủ toàn quốc lớn nhất trong thời gian ngắn nhất.

Cũng theo lý giải của đại diện phía Viettel, sở dĩ nhà mạng này quyết định triển khai 4G trên diện rộng như 2G và có khả năng kéo giảm được giá dịch vụ nhờ giá thiết bị cho 4G đã rẻ.

“Nếu như ở công nghệ 2G và 3G, Viettel phải đi mua thiết bị của các nhà cung cấp thiết bị viễn thông, thì hiện nay Viettel đã sản xuất được thiết bị 4G và đã đem vào thử nghiệm tại Bà Rịa Vũng Tàu. Đây chính là lợi thế khi triển khai 4G. Tất nhiên, để triển khai 4G rộng như 2G sẽ cần phải có nguồn lực tài chính mạnh và chúng tôi đã chuẩn bị cho việc đầu tư chiến lược này”, ông Sơn cho biết thêm.

Hiện tại, phía MobiFone vẫn chưa có công bố chính sách mới nào về giá cho mạng 4G sẽ triển khai chính thức vào năm sau. Tuy nhiên, vào thời điểm thử nghiệm dịch vụ 4G đầu tháng 7/2016 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, gói cước thấp nhất do nhà mạng này đưa ra là 120.000 đồng cho 30 ngày với 3GB dữ liệu, cũng tương đương với gói M120 dành cho 3G. Đó là chưa kể là các ưu đãi tặng thêm nhiều phút thoại, tin nhắn và gói data Youtube cho thuê bao 4G. Điều này chứng tỏ, tương tự các nhà mạng khác, MobiFone không có ý muốn định giá dịch vụ 4G đắt hơn 3G.

Thậm chí, một số ý kiến còn cho rằng, MobiFone vốn không phải là nhà mạng định vị chính vào phân khúc giá rẻ như Viettel, nhưng đã có một số thay đổi về chiến lược, như quan tâm hơn đến phân khúc bình dân và sẵn sàng cạnh tranh về giá. Đơn cử là sim 3 Khía đang "làm mưa làm gió" tại thị trường Tây Nam Bộ. Sản phẩm này nhắm thẳng vào phân khúc giá rẻ với mức giá gọi liên mạng rẻ hơn nội mạng và dịch vụ 3G siêu rẻ chỉ 25.000 một tháng để dùng 3,6 GB tốc độ cao cho tháng đầu và 2Gb cho các tháng tiếp theo. Đó là dấu hiệu cho thấy, rất có khả năng sim 4G trong tương lai của MobiFone cũng sẽ rất ‘chịu chơi’ về giá.

Một yếu tố khác mà các nhà mạng buộc phải cạnh tranh quyết liệt chứ không thể "làm giá" cho dịch vụ mạng 4G chính là giá thiết bị đầu cuối. Các chuyên gia nhận định, giá thiết bị 4G và 3G đã tương đương nhau nên người dân không có trở ngại gì trong việc sở hữu một chiếc smartphone 4G. Smartphone 4G không còn là đặc quyền của những người thu nhập cao mà nó là sản phẩm ai cũng có thể dùng, nên giá dịch vụ vì thế cũng phải ‘đại chúng’ hơn.

“Năm 2008, khi mà thu nhập bình quân của người Việt Nam chỉ bằng một nửa bây giờ, chúng ta đã đạt mật độ 85-90%, tức là đã gần như phổ cập dịch vụ 2G. Giá của thiết bị 2G lúc ấy cũng khoảng một triệu đồng. Bây giờ, máy điện thoại 4G cũng chỉ khoảng 40-50 USD, GDP theo đầu người cũng cao gấp đôi năm 2008, việc phổ cập 4G là hoàn toàn khả thi”, ông Hoàng Sơn lạc quan.

Viễn Thông

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.