|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vẫn còn nhiều dây trói cần được mở

09:41 | 18/01/2017
Chia sẻ
Quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương được nhiều doanh nghiệp trong ngành đón nhận như một sự cởi trói, vì từ nay họ có thể trực tiếp tham gia xuất khẩu gạo mà không phải trả tiền để xuất ủy thác qua một công ty trung gian.
van con nhieu day troi can duoc mo
Quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương được nhiều doanh nghiệp trong ngành đón nhận như một sự cởi trói. Ảnh TL

Chúng ta hãy hy vọng quyết định trên của Bộ Công Thương sẽ là bước khởi đầu trong việc thực hiện cam kết của Chính phủ nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng cho các doanh nghiệp, bởi lẽ hiện vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp đang ngày đêm trông chờ được cởi trói để yên tâm làm ăn, như ở các ngành xuất khẩu cà phê, nhập khẩu ô tô, kinh doanh phân bón, gas... Những sợi dây trói ẩn dưới các điều kiện kinh doanh.

Về hình thức, các điều kiện kinh doanh được ban hành ồ ạt trong những năm qua đều hướng tới mục tiêu siết chặt quản lý nhằm loại bỏ những phát triển lệch lạc, tạo điều kiện để các ngành kinh doanh phát triển lành mạnh và tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng. Nhưng trong thực tế rất nhiều điều kiện kinh doanh đã trở thành những chướng ngại cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, triệt tiêu cơ hội khởi nghiệp và hạn chế cạnh tranh, trong khi hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước cũng chẳng vì thế mà khá hơn.

Không khó để nhận ra nhiều điều kiện kinh doanh được thiết kế để trói buộc, thậm chí triệt tiêu cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để dành sân chơi cho các doanh nghiệp lớn. Cơ chế đó không chỉ gây khó khăn cho từng doanh nghiệp cụ thể, mà còn tạo ra mối nguy cho cả nền kinh tế, vì chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới có khả năng thích nghi cao, sử dụng nhiều lao động, là động lực phát triển của một quốc gia. Đáng ngại hơn, khi một môi trường kinh doanh không tạo thuận lợi, không kích thích được tinh thần khởi nghiệp, thì nền kinh tế sẽ khó mà phát triển.

Rõ ràng cơ chế quản lý thiên về ràng buộc bằng các điều kiện kinh doanh, dành thuận lợi cho cơ quan quản lý và đẩy khó khăn về phía doanh nghiệp là trái ngược với thông điệp của Chính phủ nhằm kiến tạo cơ chế chính sách, hành lang pháp lý theo hướng cắt giảm rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư.

Ngoài ra, đằng sau một số quy định trói buộc được các bộ, ngành ban hành trong những năm qua có thấp thoáng bóng dáng lợi ích của những doanh nghiệp lớn. Đó là những quy định được đề xuất bởi những hiệp hội ngành nghề hoặc được thúc đẩy bởi những cuộc hội thảo, tọa đàm do các công ty lớn hỗ trợ tổ chức. Đây rõ ràng là một kiểu cạnh tranh không lành mạnh, hay nói thẳng ra là tận dụng khó khăn trong quản lý mà các cơ quan nhà nước đang phải đối mặt để thúc đẩy đưa ra các điều kiện kinh doanh, nhằm loại bớt đối thủ cạnh tranh là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tóm lại, nếu chúng ta không tạo ra được một môi trường kinh doanh, một mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, không xây dựng được một môi trường khởi nghiệp nhiều thuận lợi để thay cho những hạn chế, trói buộc thì nền kinh tế sẽ không có động lực để tăng trưởng.