|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vẫn còn chính sách thuế gây khó cho doanh nghiệp dệt may

02:17 | 29/05/2021
Chia sẻ
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, hiệp hội đã nhận được nhiều kiến nghị của doanh nghiệp thành viên về những bất cập trong Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mặc dù nghị định này chưa triển khai đại trà và mới chỉ thực hiện ở một số đơn vị.

Theo Vitas, Nghị định 18/2021/NĐ-CP có nhiều điểm rõ ràng, minh bạch, song chính sách về nộp thuế khiến doanh nghiệp ngành dệt may gặp khó.

Theo đó, tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định, sản phẩm xuất khẩu tại chỗ không được miễn thuế xuất khẩu. Người xuất khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ và kê khai nộp thuế xuất khẩu theo mức thuế suất và trị giá của sản phẩm xuất khẩu tại chỗ theo quy định tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ.

Ngoài ra, sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình nhập gia công được miễn thuế nhập khẩu nếu người nhập khẩu tại chỗ đáp ứng quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 10 Nghị định này. 

Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình khác thì người nhập khẩu tại chỗ phải kê khai, nộp thuế theo mức thuế suất và trị giá tính thuế của sản phẩm nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai.

Vẫn còn chính sách thuế gây khó cho doanh nghiệp dệt may - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: TTXVN).

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, chính sách trên có thể khiến một đối tượng hàng hóa phải chịu nộp thuế hai lần của hai doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp nội địa xuất khẩu tại chỗ sản phẩm phải nộp thuế xuất khẩu cho sản phẩm xuất ra, nhưng đồng thời, doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm tại chỗ cũng phải nộp thuế nhập khẩu cho sản phẩm này.

Trong khi đó, hàng nhập khẩu tại chỗ sử dụng để sản xuất xuất khẩu (thường gọi là FOB) sau cùng cũng xuất ra nước ngoài, không tiêu thụ trong thị trường Việt Nam thì theo quy định tại Luật Thuế xuất nhập khẩu phải được miễn thuế.

Đại diện lãnh đạo Hiệp hội Dệt may cũng cho hay, cho dù thuế đã nộp sau đó sẽ được hoàn lại khi chứng minh là thực sự xuất khẩu nhưng vẫn rất bất cập. Chính sách này không khuyến khích hàng sản xuất xuất khẩu mà gây ra sự bất bình đẳng giữa hàng gia công xuất khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu. 

Hàng nhập khẩu tại chỗ để gia công xuất khẩu được miễn thuế mà hàng nhập tại chỗ để sản xuất xuất khẩu lại không được miễn thuế.

Điều này khiến cho các doanh nghiệp lựa chọn hình thức gia công thay vì tìm cách nâng cao vị trí của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng, đi ngược lại chiến lược phát triển của ngành.

Hiệp hội Dệt may cũng cho rằng, các bất cập ở chính sách thuế đã từng có với ngành dệt may trước đây như việc doanh doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu nhập khẩu không mất thuế, còn doanh nghiệp sử dụng sợi trong nước khi xuất khẩu phải nộp 10% thuế VAT.

Sau khi chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu, doanh nghiệp sẽ được hoàn lại 10%. Dù được hoàn lại, song thời gian hoàn thuế cho số tiền doanh nghiệp đã tạm ứng này rất lâu và khiến doanh nghiệp bị treo một khoản tiền tương đối lớn, lãng phí tài chính của các doanh nghiệp.

Chia sẻ thêm về nghị định trên, đại diện Công ty cổ phần Tex-Giang cho biết, việc nộp ngay thuế nhập khẩu để sản xuất hàng khiến cho doanh nghiệp phải có khoản tiền ứng trước. 

Điều này dẫn đến việc chính sách không khuyến khích doanh nghiệp chủ động sản xuất hàng xuất khẩu mà quay trở lại làm gia công cho các đối tác và điều này cho thấy sự không công bằng giữa hai loại hình này. 

Hơn nữa, việc treo tiền thuế trong gần 1 năm mới có thể hoàn lại tạo ra lãng phí lớn về tài chính của doanh nghiệp.

Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp cũng phải có nhân lực, dành thời gian để theo dõi và thực hiện thủ tục hải quan, gây tốn nguồn lực, công sức của doanh nghiệp.

Hiện, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và nhiều nguy cơ bùng phát tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ngành dệt may đang vừa sản xuất, vừa chống dịch bệnh. 

Các doanh nghiệp ngành này cũng đang rất nỗ lực để có đơn hàng và hoàn thành đơn hàng đúng thời hạn. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều gói hỗ trợ nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận do các điều kiện không phù hợp.

Theo bà Trần Tường Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ, hiện nay, đơn vị đang đặt mức cao nhất trong việc phòng chống dịch bệnh; trong đó có các giải pháp về sát khuẩn, khử khuẩn, tuyên truyền và trang bị cho người lao động thực hiện quy tắc 7K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế, kiểm soát biên giới, khu cách ly an toàn)...Việc này đã tốn của doanh nghiệp một khoản kinh phí lớn, song không thể không thực hiện vì tính an toàn để sản xuất, cung ứng hàng.

"Chính sách thuế thực hiện sẽ khiến doanh nghiệp phải có trước tiền tạm ứng thuế rồi sau đó lại làm các thủ tục để hoàn lại. Thời gian để thực hiện các thủ tục hoàn thuế rất lâu, từ 6-8  tháng. Doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng dòng tiền, giảm sức cạnh tranh, đặc biệt trong khi COVID-19 đang tiếp tục phức tạp", bà Trần Tường Anh nói.

Trước phản ánh của doanh nghiệp, Vitas đã gửi văn bản kiến nghị lên Chính phủ sửa đổi quy định, cho phép miễn thuế nhập khẩu với hàng nhập tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu, tạo sự bình đẳng giữa hình thức gia công xuất khẩu và sản xuất xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang phương thức xuất khẩu mua đứt bán đoạn thay vì khuyến khích gia công.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, thống kê các quy định gây mâu thuẫn, chồng chéo, từ đó, đề xuất phương án xử lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ... 

Với sự quyết liệt trong chỉ đạo từ Chính phủ, hi vọng các chính sách sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, đứng vững trước đại dịch COVID-19.

Đức Dũng