|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ủy ban Ngoại thương EU thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam, nhiều mặt hàng có thể sớm được miễn thuế

18:53 | 21/01/2020
Chia sẻ
Sau khi được Ủy ban Ngoại thương EU thông qua, các hiệp định thương mại tự do và bảo vệ đầu tư giữa EU và Việt Nam sẽ được đưa ra bỏ phiếu trước toàn thể Nghị viện EU vào tháng 2 tới.
Ủy ban Ngoại thương EU thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam, nhiều mặt hàng có thể sớm được miễn thuế - Ảnh 1.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được miễn thuế. Ảnh minh họa: Song Ngọc.

Chiều nay 21/1 theo giờ Việt Nam, Ủy ban Ngoại thương của Liên minh châu Âu (INTA) đã thông qua hai hiệp định về thương mại tự do và bảo vệ đầu tư với Việt Nam.

Theo Reuters, các hiệp định này sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu bắt đầu từ ngày 10/2 tới. 

Theo thông cáo báo chí của INTA, các thành viên của Ủy ban INTA đã thông qua Hiệp định Bảo vệ Đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) với 26 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 6 phiếu trắng. Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được thông qua với với 29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng. 

INTA cũng khuyến nghị phiên toàn thể của Nghị viện châu Âu sẽ ra quyết định tương tự đối với hai hiệp định nói trên.

EVFTA là hiệp định thương mại tự do thứ hai của EU với một quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore và là một trong số ít các hiệp định mà EU kí với một nước đang phát triển.

Nếu được toàn thể Nghị viện thông qua, hiệp định này sẽ loại bỏ gần như toàn bộ thuế quan giữa Việt Nam và EU trong 10 năm tới. Hiệp định sẽ bảo vệ các sản phẩm đặc trưng của EU, cho phép châu Âu tiếp cận thị trường mua sắm công của Việt Nam.

Cụ thể, sau khi hiệp định được thông qua, 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ ngay lập tức được miễn thuế hoàn toàn. Các sản phẩm còn lại - bao gồm xe gắn máy, xe hơi, dược phẩm, hóa chất, rượu, thịt gà, thịt heo - sẽ được miễn thuế dần trong 10 năm sau đó.

Ngược lại, 71% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay lập tức. Các mặt hàng còn lại sẽ được miễn thuế dần trong 7 năm sau đó. Xuất khẩu miễn thuế các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm của Việt Nam như gạo, tỏi và trứng sẽ bị hạn chế.

Các rào cản phi thuế quan sẽ được gỡ bỏ đối với ngành xe hơi, cấp phép xuất nhập khẩu và thủ tục hải quan. Việt Nam chấp nhận đánh dấu “Made in EU” (Sản xuất tại EU) bên cạnh các đánh dấu khác về quốc gia xuất xứ đối với sản phẩm phi nông nghiệp.

Về các chỉ dẫn địa lí đối với sản phẩm, 169 mặt hàng đặc trưng của EU như pho mát Parmigiano Reggiano, rượu champagne (sâm-panh), rượu Rioja sẽ được bảo vệ tại Việt Nam. Ngược lại, 39 sản phẩm của Việt Nam sẽ được bảo vệ tại EU.

Các doanh nghiệp EU sẽ được tăng cường tiếp cận các dịch vụ kinh doanh, môi trường, chuyển phát, ngân hàng, bảo hiểm và vận tải hàng hải tại Việt Nam. Các doanh nghiệp EU cũng có thể tham gia đấu thầu các hợp đồng của cơ quan chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước hay thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Song Ngọc

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.