|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đồng tình giảm thuế VAT xuống 8%, đề xuất tăng thuế với giao dịch chứng khoán và bất động sản

12:42 | 04/01/2022
Chia sẻ
Qua thẩm tra dự thảo về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đồng tình với việc miễn giảm thuế. Song, Chính phủ cũng cần tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản,...

Sáng 4/1, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay sau phần trình bày của Bộ trưởng Dũng, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đã đọc Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết nêu trên.

Ông Thanh cho biết một số chính sách hỗ trợ dự kiến triển khai nhưng chưa được tính toán vào quy mô hỗ trợ tổng thể của Chương trình. Do vậy, về quy mô tổng thể chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung, tính toán lại số liệu, làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ.

Ngoài ra, theo Ủy ban, cần có đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách nêu trên.

Thống nhất miễn, giảm một số loại thuế phí, song cần tăng thuế với giao dịch chứng khoán và bất động sản

Về chính sách tài khóa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết cơ quan này tán thành việc chấp nhận thâm hụt NSNN tăng ở mức cao hơn, mỗi năm tăng khoảng 1% - 1,2% GDP trong hai năm thực hiện chương trình phục hồi kinh tế (2022-2023).

Về chính sách thuế, đa số ý kiến thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí, trong đó thống nhất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2 điểm % áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10%. 

Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị rà soát đối tượng áp dụng, cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa, cần loại trừ các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ủy ban Kinh tế đề xuất tăng thuế với giao dịch chứng khoán và bất động sản,... - Ảnh 1.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. (Ảnh: VGP).

Đối với chính sách cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, ông Thanh cho biết đa số ý kiến cho rằng vấn đề huy động xã hội hóa trong giai đoạn tới chưa được đánh giá kỹ lưỡng.

Việc tính toán chi phí thực tế được khấu trừ có nhiều rủi ro, do đó, đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, một số ý kiến tán thành với đề xuất nhưng đề nghị giới hạn đối với khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cân nhắc quy mô, liều lượng của việc miễn, giảm thuế. Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu biện pháp cho trừ bổ sung theo tỷ lệ nhất định trên cơ sở chi phí thực tế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng trong ngắn hạn (chi phí tạo tài sản cố định trong hai năm 2022 - 2023 và chi phí lao động năm 2022).

Ông Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đồng tình với việc miễn giảm thuế, nhưng cho rằng Chính phủ cũng cần tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số hoặc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng.

Về chi trực tiếp từ NSNN cho đầu tư phát triển, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết thống nhất việc chi trực tiếp từ NSNN sử dụng để chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ danh mục đề xuất, bảo đảm hiệu quả thiết thực, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với khả năng hấp thụ, giải ngân vốn đầu tư công.

Về nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021, ông Thanh cho biết đa số ý kiến nhất trí việc sử dụng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và đề nghị cần có giải pháp phù hợp, hiệu quả, tránh trục lợi.

Riêng về chính sách hỗ trợ lãi suất, ông Thanh lưu ý cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi hoặc được bảo lãnh tín dụng; chú trọng khoản vay tạo dư địa cho phục hồi và phát triển như việc cải tạo chung cư cũ; xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua…; quy định rõ đối tượng, phạm vi, điều kiện vay vốn; kiểm soát chặt chẽ, tránh trục lợi chính sách.

Còn về tăng thêm hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế tán thành với tờ trình, tuy nhiên cần rà soát khả năng giải ngân, cân nhắc về mức tăng hạn mức cụ thể.

Cần lượng hóa các giải pháp của chính sách tiền tệ, làm rõ khả năng vay và trả nợ quốc gia

Nêu ý kiến về gói tiền tệ của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cần lượng hóa các giải pháp của chính sách tiền tệ để đánh giá tác động đến nền kinh tế.

Bên cạnh đó, ông đề nghị xem xét thêm một số vấn đề. Cụ thể như chủ động sử dụng đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất khoảng 0,5% - 1%, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên.

Ủy ban Kinh tế đề xuất tăng thuế với giao dịch chứng khoán và bất động sản,... - Ảnh 2.

Toàn cảnh Phiên họp khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất. (Ảnh: Quốc hội).

Việc tiếp tục tái cấp vốn và gia hạn vay tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động cần có giải pháp mang tính khả thi, tổ chức triển khai nhanh trong thực tế.

Về huy động nguồn lực, đa số ý kiến tán thành với giải pháp Chính phủ đã đưa ra. Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, ông đề nghị báo cáo cụ thể khả năng vay và trả nợ quốc gia cũng như các phương án huy động vốn theo lộ trình cụ thể, khả năng hấp thụ vốn. Đồng thời, cần nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề sau:

Thứ nhất là báo cáo rõ tính khả thi của nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ ngân sách để huy động ngay trong hai năm 2022-2023.

Thứ hai, phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ chỉ thực hiện trong trường hợp cấp bách và phải báo cáo cấp có thẩm quyền; đồng thời phải tính toán kỹ chi phí huy động, tác động đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và thanh khoản ngoại tệ. 

Việc phát hành trái phiếu Chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước cần có phương án cụ thể.

Thứ ba là tiếp tục rà soát khả năng huy động các quỹ tài chính ngoài NSNN và năng lực đầu tư của Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước. Theo Ủy ban, Chính phủ cần quan tâm lồng ghép hiệu quả và đẩy nhanh giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu hỗ trợ đầu tư y tế cơ sở tại các địa phương.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ theo dõi sát tình hình và có các kịch bản ứng phó. Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục tính toán các giải pháp căn cơ thực hiện phòng, chống dịch bệnh và dành nguồn lực cho chương trình.

Việc vay nợ phải phù hợp với tiến độ sử dụng vốn, phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn; trong trường hợp thu, chi ngân sách nhà nước khả quan hơn, cần nỗ lực duy trì các chỉ tiêu an toàn nợ trong mức cảnh báo.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Trang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.