|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Việt Nam có hơn 8 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán

10:47 | 05/07/2024
Chia sẻ
Tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam tại cuối tháng 6 đạt 8,04 triệu đơn vị.

Theo dữ liệu Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), tại cuối tháng 6, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của cá nhân trong nước đạt 7,98 triệu đơn vị (xấp xỉ 8% dân số), cao hơn 106.417 tài khoản so với thời điểm cuối tháng 5. Mức tăng này (131.839 tài khoản) giảm 19% so với tháng 5 và xấp xỉ so với tháng 4.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, số lượng tài khoản của cá nhân trong nước đã tăng 750.547 tài khoản, cao hơn 82% nếu so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình mỗi tháng, thị trường gia tăng trên dưới 125.000 tài khoản giao dịch cá nhân trong nước.

Mức tăng tài khoản giao dịch chứng khoán của cá nhân trong nước tháng 6 thấp hơn 19% so với tháng 4. (Nguồn: X.N tổng hợp).

Nhà đầu tư tổ chức trong nước tăng 163 tài khoản trong tháng 6 lên 16.841 tài khoản, cao hơn so với mức tăng 171 tài khoản trong tháng 5. Lũy kế 6 tháng, nhà đầu tư tổ chức trong nước tăng 769 tài khoản.

Về phía nhà đầu tư nước ngoài, số lượng tài khoản tăng 185 đơn vị trong tháng 6, thấp hơn so với mức tăng 210 tài khoản của tháng 5, trong đó cá nhân tăng 168 tài khoản, tổ chức tăng 17 tài khoản.

Tổng số tài khoản nhà đầu tư nước ngoài hiện đạt 46.532 tài khoản, cao hơn 1.148 tài khoản so với thời điểm cuối năm 2023.

Tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam đến cuối tháng 6 đạt 8,04 triệu đơn vị.

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 của Bộ Tài chính đặt ra nhiều mục tiêu. Trong đó, số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó là tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030; dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030; thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

Xuân Nghĩa