Ưu ái độc quyền là bơi ngược dòng
Dự thảo nghị định hàng hóa, dịch vụ và địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ. Dự thảo cũng đưa ra danh mục 20 hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước sẽ thực hiện độc quyền thương mại.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES), thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nói: “Việc Bộ Công Thương đưa ra dự thảo về nghị định độc quyền thương mại nhà nước (gọi tắt là độc quyền nhà nước) về cơ bản là tiếp tục những gì mà cơ quan này đã làm từ năm 2005. Ở thời điểm đó Bộ cũng có văn bản quy định về độc quyền nhà nước dựa trên khoản 4 Điều 6 của Luật Thương mại. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm cải cách kinh tế theo hướng thị trường hóa, sau khi đã ký kết và tham gia hơn 15 hiệp định tự do hóa thương mại và đầu tư, việc xây dựng một văn bản dưới luật như vậy là một quyết định cho thấy nhiều mâu thuẫn trong tư duy quản lý kinh tế hiện nay”.
Đáng lẽ chọn “bỏ”, lại chọn “cho”
Phóng viên: Ông gọi “mâu thuẫn” này là gì?
+ TS Phạm Sỹ Thành: Đó là tình trạng “nhiễu chức năng” khi một cơ quan vừa có vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, vừa có quyền ban hành các danh mục kinh doanh thuộc hàng “ngon” cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đó là tình trạng trong khi Luật Cạnh tranh được ban hành từ sớm nhưng kết quả thực hiện nghèo nàn thì Bộ Công Thương lại muốn tiếp tục củng cố hành vi kinh doanh độc quyền của các DNNN. Đó là trong khi Chính phủ nỗ lực thay đổi Luật Đầu tư năm 2016 theo hướng “chọn-bỏ” thì Bộ lại hướng dẫn đầu tư theo hướng “chọn-cho”.
Tức là ông không ủng hộ việc ra đời nghị định này?
+ Tôi cho rằng trong danh mục 20 ngành hàng Nhà nước độc quyền này có những cái không hợp lý và không có tính thuyết phục. Điều 4 của dự thảo nghị định ghi rằng: “Chỉ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia”.
Thật khó để giải thích vì sao những ngành hàng như nhập khẩu thuốc lá, xì gà; tem bưu chính; pháo hoa và các dịch vụ liên quan đến pháo hoa lại là những ngành liên quan đến an ninh quốc phòng hay lợi ích quốc gia. Cũng như những lĩnh vực vận hành hệ thống đèn biển; vận hành hệ thống luồng hàng hải công cộng; quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt vì sao lại là những lĩnh vực mà khu vực DN ngoài Nhà nước không có nhu cầu và khả năng tham gia.
Kinh nghiệm khai thác các tuyến đường sắt bởi nhiều công ty tư nhân khác nhau tại Nhật Bản cho thấy Nhà nước chỉ cần quản lý về tiêu chuẩn kỹ thuật chứ không cần trực tiếp giao cho DNNN kinh doanh khai thác.
Theo dự thảo nghị định, ngành hàng như tem bưu chính, nhập khẩu thuốc lá, xì gà, pháo hoa… sẽ là lĩnh vực độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại. Ảnh: HTD
Phải thúc đẩy cạnh tranh thay vì ưu ái độc quyền
Nhưng Bộ Công Thương nói rằng việc ban hành nghị định này là khả thi, cấp thiết, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước, đảm bảo tính cạnh tranh, phù hợp với các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.
+ Tôi cho rằng Bộ Công Thương đang đánh tráo khái niệm. Về mặt kinh tế, có ba dạng độc quyền là độc quyền tự nhiên, độc quyền pháp định và độc quyền kinh tế. Mỗi dạng độc quyền này đều có một đặc tính và cách điều tiết khác nhau. Trong danh mục 20 ngành hàng mà Bộ Công Thương đề xuất có nhiều ngành hàng không mang bất kỳ đặc tính nào để xếp vào một trong ba dạng độc quyền trên.
Từ điểm này, vai trò điều tiết và quản lý nhà nước cũng bị định vị sai. Đối với lĩnh vực độc quyền tự nhiên, vai trò của cơ quan quản lý là phân định các mảng mang tính cạnh tranh và mảng mang tính độc quyền để đề xuất các biện pháp thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao hiệu quả. Đối với lĩnh vực độc quyền pháp định, vai trò của Chính phủ là cung cấp hàng hóa công. Đối với độc quyền kinh tế, vai trò của cơ quan quản lý là xử phạt các hành vi độc quyền và thao túng thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Dự thảo nghị định của Bộ Công Thương trao cho DNNN quyền độc chiếm lợi ích và hoàn toàn không thể hiện vai trò điều tiết, quản lý cần có của cơ quan này.
Về bản chất, dạng độc quyền mà Bộ Công Thương đề xuất thông qua cái gọi là độc quyền nhà nước là một dạng độc quyền hành chính (administrative monopoly) - một dạng độc quyền mang tính lịch sử của các quốc gia chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường. Độc quyền hành chính chỉ việc các DN nhận được các đặc quyền kinh tế dựa vào sự phân bổ nguồn lực từ mệnh lệnh hành chính mà không cần xem xét kỹ lưỡng đặc tính của các lĩnh vực kinh tế mà DN tham gia.
Vậy theo ông, với đặc điểm hiện nay, nước ta nên thực hành độc quyền thương mại như thế nào để đảm bảo tính cạnh tranh và sự lành mạnh của nền kinh tế?
+ Câu hỏi đúng phải là “Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy cạnh tranh?” chứ không phải “Nhà nước có nên tiếp tục độc quyền thương mại không?”. Bởi việc làm này sẽ càng khiến căn bệnh độc quyền hành chính trở nên trầm kha. Chỉ có cạnh tranh mới tạo ra hiệu quả. Kinh nghiệm chống độc quyền trên thế giới cho thấy nếu cải cách chế độ sở hữu mà không đi liền với tạo môi trường cạnh tranh thì cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Việc thúc đẩy cạnh tranh, chống độc quyền cũng phù hợp với những FTA mà Việt Nam đã ký kết. Các FTA quan trọng này đều yêu cầu minh bạch hoạt động của các DNNN, mở rộng lĩnh vực đầu tư, trao cho nhà đầu tư quyền khởi kiện nước sở tại trong các trường hợp cụ thể, có chế tài xử phạt (tiền và bỏ tù) rất nặng. Căn cứ vào thực tiễn Việt Nam, điều cần làm là thúc đẩy thực thi Luật Cạnh tranh chứ không phải là bơi ngược dòng.
Tôi thì cho rằng: Việc quy định những hoạt động thương mại độc quyền cũng như những lĩnh vực độc quyền khác thường do tâm lý muốn kiểm soát. Theo ông, làm sao để xóa bỏ tâm lý này?
+ Độc quyền đó gọi là độc quyền hành chính. Để xóa bỏ độc quyền này, chúng tôi cho rằng có mấy giải pháp quan trọng.
Thứ nhất, xác định một cách có căn cứ hợp lý các ngành hàng nào Nhà nước cần độc quyền. Thứ hai, bóc tách các mảng kinh doanh, mảng mang tính cạnh tranh trong các ngành độc quyền tự nhiên (natural monopoly) để tiến hành cải cách thị trường hóa (phi quốc hữu hóa)…
Xin cám ơn ông.
Độc quyền nhà nước không phải là “đặc quyền” Hiện nay cần phải nhanh chóng tiến tới chấm dứt thời hạn độc quyền nêu trên, vì Việt Nam đã chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường 30 năm và đặc biệt là để thực hiện những quy định mới về quyền tự do kinh doanh của Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014. Cần phải hiểu tinh thần của độc quyền nhà nước không phải là đặc quyền mà là trách nhiệm của Nhà nước phải độc quyền trong một số trường hợp đặc biệt để chống việc tư nhân độc quyền làm ảnh hưởng xấu đến thị trường. Thời điểm này Nhà nước cần dứt khoát trả lại quyền kinh doanh cho thị trường, thực hiện triệt để, nghiêm túc Luật Cạnh tranh về chống độc quyền. TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương |