|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

USDA: Sản xuất và xuất khẩu cà phê Ethiopia dự báo đạt mức cao trong năm 2020 - 2021

09:00 | 04/06/2020
Chia sẻ
Sản lượng cà phê của Ethiopia trong năm 2020 - 2021 dự báo ở mức 7,5 triệu bao trong khi xuất khẩu dự kiến đạt kỉ lục 4,12 triệu bao.
USDA: Sản xuất và xuất khẩu cà phê Ethiopia dự báo đạt mức cao trong năm 2020 - 2021 - Ảnh 1.

Cà phê Ethiopia

Sản xuất

Đối với năm 2020 - 2021, sản lượng cà phê của Ethiopia (chủ yếu là arabica) dự kiến tăng lên 7,5 triệu bao (60 kg). Ước tính này dựa trên giả định sự gián đoạn do COVID-19 ở mức tối thiểu, giống cây mới được đưa vào sản xuất ở khu vực phía Tây, lượng mưa nhiều và ít sâu bệnh ít hơn so với các năm trước, giúp sản lượng tăng mạnh. 

Nông dân cũng tiếp tục được hưởng lợi từ các chương trình khuyến nông từ chính phủ và các tổ chức phi chính phủ trong việc sản xuất và tiếp thị cà phê.

Như những quốc gia khác trên thế giới, đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng bao trùm đến kinh tế và an ninh cũng như thị trường xuất khẩu của Ethiopia và hiện còn quá sớm để dự đoán ảnh hưởng của dịch bệnh đối với ngành cà phê trong năm nay. 

Tính đến thời điểm, mức độ lây nhiễm virus ở các vùng nông thôn, nơi trồng cà phê chính, ở mức thấp. Mặt khác, các trang trại qui mô lớn, chiếm khoảng 5% tổng số trang trại cà phê, đang gặp khó khăn trong việc thuê lao động do lệnh hạn chế đi lại.

Việc thay thế cây cà phê bằng cây khát (Catha edulis) đã tác động xấu đến sản xuất cà phê. Cây khát có nhiều ưu điểm hơn cây cà phê: khả năng chịu hạn hán, bệnh tật và sâu bệnh; tăng trưởng nhanh chóng cho phép thu hoạch tới 3 lần một năm và giá bán cao hơn.

Tiêu thụ

Tiêu thụ cà phê tại thị trường nội địa trong năm 2019 - 2020 ước tính đạt 3,14 triệu bao, thấp hơn 50.000 bao so với năm ngoái, chủ yếu là do các biện pháp giãn cách xã hội dẫn đến nhu cầu tại các quán cà phê giảm.

Dự báo tiêu thụ cà phê trong năm 2020 - 2021 sẽ đạt 3,4 triệu bao, tăng 260.000 bao. Ước tính này giả định rằng mức tiêu thụ trở lại bình thường sau đại dịch COVID-19.

Thương mại

Dự kiến xuất khẩu cà phê trong năm  2020 - 2021 đạt 4,15 triệu bao, tăng hơn 250.000 bao so năm 2019 - 2020.

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng cà phê. Nông dân và thương nhân đang phải đối mặt với vấn đề vận chuyển và tiếp cận thị trường. 

Ngoài ra xuất khẩu cà phê cũng bị ảnh hưởng bởi các chỉ thị giá xuất khẩu tối thiểu do Cơ quan Cà phê và Trà (ECTA) của Ethiopia áp đặt và các mối lo ngại về an ninh đang diễn ra ở một số vùng trong nước. 

Chi phí lao động và hậu cần tăng, dẫn đến khối lượng cà phê giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa Ethiopia (ECX) giảm 25 - 30% mỗi năm. Do đó, ước tính xuất khẩu cà phê năm 2019 - 2020 ở mức 3,9 triệu bao, thấp hơn 16.400 tấn so với năm 2018 - 2019.

Ethiopia là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất ở châu Phi với ngành cà phê chiếm 27 - 31% xuất khẩu hàng hóa của nước này trong 4 năm qua. Khách hàng quốc tế đánh giá cao cà phê Etiia Arabica vì hương vị độc đáo. 95% cà phê nước này được trồng bởi 4,5 triệu hộ nông dân.

Chính sách

Chính sách cải cách ngành cà phê ban hành năm 2018- 2019 đang được thực hiện với mục đích giải quyết những thách thức chính mà ngành phải đối mặt thông qua sự phối hợp giữa chính phủ và khu vực tư nhân trong việc cải thiện chuỗi giá trị. 

Các vấn đề được giải quyết bao gồm truy xuất nguồn gốc, dịch vụ trên Sàn ECX và tăng cường nghiên cứu và phát triển các giống có năng suất cao.

Những nỗ lực của chính phủ trong việc hợp lí hóa chuỗi giá trị cà phê đã mang lại kết quả khi nông dân hiện có thể xuất khẩu trực tiếp cho khách hàng quốc tế thay vì trao đổi qua người trung gian.

Sự cải thiện trong tiếp thị thực hiện bởi ECTA cũng là một chính sách đáng nói. Nhiều thị trường sơ cấp đã trở nên gần gũi hơn với nông dân, dẫn đến qui trình bán hàng minh bạch và cạnh tranh hơn. Nông dân có nhiều lựa chọn trong việc hợp tác với các thương nhân. 

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số thách thức. Ví dụ, dù nông dân có nhiều nguồn tiếp cận với thông tin giá từ các chợ bán buôn, nhưng họ không thể bán với giá cao nhất. 

Do tình trạng thiếu ngoại tệ đang diễn ra ở Ethiopia, đôi khi các thương nhân bán cà phê với giá thấp hơn giá thị trường nhằm kiếm ngoại tệ để nhập khẩu máy móc và hàng tiêu dùng, sau đó bán lại tại thị trường nội địa để kiếm lời.

Dự trữ

Dự trữ cuối năm trong năm 2019 - 2020 ước tính khoảng 25.200 tấn do nhu cầu giảm bởi tác động của dịch COVID-19. 

Một số nhà máy chế biến đang dự trữ cà phê và hạn chế lượng nhân công làm việc để tuân thủ lệnh giãn cách xã hội. Vận tải đường bộ ngưng trệ trong các khu vực sản xuất khiến việc vận chuyển hàng hóa để xuất khẩu chậm lại.

Linh Giang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.