|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

USDA: Sản lượng heo toàn cầu năm 2021 có thể tăng 4%

20:18 | 08/02/2021
Chia sẻ
Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) dự báo năm 2021 sản lượng thịt heo toàn cầu sẽ tăng khoảng 4% so với năm 2020 nhờ sự phục hồi sản xuất tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch ASF, cũng như sự phục hồi từ tác động của đại dịch COVID-19.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2020, thị trường chăn nuôi heo thế giới bị thiệt hại khá nặng khi chịu tác động từ cả dịch tả heo châu Phi (ASF) và đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị gián đoạn tại Mỹ và các quốc gia châu Âu, nơi dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng, nhưng điều này cũng không ảnh hưởng tới nhu cầu thịt heo gia tăng tại một số quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch ASF như Trung Quốc. 

Mới đây, Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) dự báo năm 2021 sản lượng thịt heo toàn cầu sẽ tăng khoảng 4% so với năm 2020 nhờ sự phục hồi sản xuất tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch ASF, cũng như sự phục hồi từ tác động của đại dịch COVID-19

Xuất khẩu thịt heo toàn cầu ước không thay đổi ở mức 10,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu thịt heo dự kiến tăng trở lại nhờ điều kiện kinh tế cải thiện và ngành dịch vụ nhà hàng, thực phẩm phục hồi. 

Các nhà nhập khẩu lớn như Mexico, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đều được dự báo nhu cầu tăng cao hơn trong năm 2021. 

Theo USDA, nhập khẩu thịt heo trong năm 2020 của Nhật Bản ước giảm 4,6%, xuống gần 1,43 triệu tấn, với nhu cầu tiêu thụ cũng giảm nhẹ 1,45% xuống 2,71 triệu tấn. 

Các thị trường khác, gồm Mỹ, Brazil, Mexico, Hàn Quốc, Philippines, cũng được dự báo nhu cầu tiêu thụ thịt heo trong năm 2020 giảm so với 2019. 

Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ thịt heo tại Philippines giảm mạnh nhất, giảm 21,2% xuống hơn 1,4 triệu tấn. 

Theo sau là Brazil, giảm 6,1% xuống hơn 2,9 triệu tấn. Mexico, Hàn Quốc và Mỹ được dự báo nhu cầu giảm ít hơn, khoảng 2 – 3% so với năm 2019. Ngược lại, nhu cầu tiêu thụ tại Nga ước tăng 1,7% lên 3,42 triệu tấn. 

Nhu cầu giảm tại Mexico, Hàn Quốc, PhilippinesMỹ khiến nhập khẩu trong năm 2020 của những quốc gia này cũng được dự báo giảm lần lượt 2,5%, 17,9%, 32,4% và gần 8% so với năm 2019. 

Theo USDA, sản xuất tại Trung Quốc dự kiến tăng 9% trong năm 2021, vì các nhà sản xuất đẩy mạnh tái đàn và tận dụng giá heo cao. 

Điều này có thể làm giảm sự phụ thuộc vào thịt heo nhập khẩu. Hiện tại, nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc chiếm gần 50% thương mại thịt toàn cầu và bất chấp sự sụt giảm về nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu thịt lớn nhất thế giới trong năm 2021. 

Trong năm 2020, đàn heo của Trung Quốc đang dần phục hồi sau đợt dịch tả heo châu Phi hồi cuối năm 2018, làm chết hàng triệu con heo, gây gián đoạn nguồn cung thịt heo và đẩy giá lên cao kỷ lục. 

Sau rất nhiều nỗ lực của Chính phủ và chính quyền các địa phương nước này, xu hướng giá thịt heo tăng kéo dài suốt 2 năm qua đã chững lại. 

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, dịch COVID-19 đang bắt đầu bùng phát tại một số địa phương ở Trung Quốc, buộc chính quyền phải ra lệnh phong tỏa khiến việc vận chuyển, phân phối thịt heo bị chậm trễ. 

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán 2021 khiến giá thịt heo cũng tăng trở lại. Giới phân tích nhận định, giá heo chỉ tăng nhẹ trong dịp Tết Nguyên đán 2021 do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, sau đó giá có thể giảm do nhu cầu giảm.


H.Mĩ