|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

USDA hỗ trợ 530 triệu USD cho ngành thủy sản Mỹ

21:00 | 26/09/2020
Chia sẻ
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ hỗ trợ khoảng 530 triệu USD cho các nhà khai thác thủy sản Mỹ để bù đắp cho những thiệt hại gây ra bởi sự trả đũa thuế quan, theo trang SeafoodSource.
USDA hỗ trợ 530 triệu USD cho ngành thủy sản Mỹ  - Ảnh 1.

USDA hỗ trợ 530 triệu USD cho ngành thủy sản Mỹ (Ảnh: SeafoodSource)

Mỗi ngư dân được hỗ trợ 250.000 USD

Khoảng 250.000 USD sẽ được cung cấp cho mỗi ngư dân hoặc doanh nghiệp tư nhân có hoạt động chính là thu hoạch thủy sản và những người bị thiệt hại do thuế quan nước ngoài.

Số tiền này sẽ được giải ngân thông qua Chương trình Cứu trợ Thương mại Thủy sản (STRP), được tài trợ bởi Tổng công ty Tín dụng Hàng hóa, do Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp USDA quản lý.

Các cá nhân hoặc công ty đủ điều kiện có thể đăng kí gói hỗ trợ trong thời gian 14/9 - 14/12 thông qua Trung tâm dịch vụ USDA.

"Nhiều quốc gia đã không tuân thủ các qui tắc trong thời gian dài, và Tổng thống Donald Trump là tổng thống đầu tiên bảo vệ họ và gửi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ sẽ không dung thứ cho các hành vi thương mại không công bằng", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ, ông Sonny Perdue, cho biết trong một thông cáo báo chí.

Ông lưu ý thêm Chương trình Cứu trợ Thương mại Thủy sản đảm bảo ngư dân Mỹ và các nhà sản xuất khác sẽ không phải đối mặt với các mức thuế trả đũa vô lí nữa.

Đồng thời, Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục nỗ lực đàm phán các thỏa thuận thương mại tốt hơn trên toàn cầu.

Theo trang web của STRP, chương trình này là một phần của chiến lược hỗ trợ ngư dân và các nhà sản xuất khác trong khi chính phủ Mỹ tiếp tục thực hiện các thỏa thuận thương mại tự do, công bằng và mở thêm thị trường giúp nông dân Mỹ cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

STRP chỉ cho phép một người hoặc tổ chức nhận tối đa 250.000 USD từ chương trình và thu nhập gộp hiệu chỉnh (AGI) của người nộp đơn không vượt quá 900.000 USD, trừ khi ít nhất 75% AGI của cá nhân hoặc tổ chức đó đến từ nông nghiệp, nuôi trồng, lâm nghiệp, thu hoạch hải sản hoặc các hoạt động liên quan.

Một số sản phẩm thủy sản có trong danh sách của STRP gồm cá thu Atka; cua hoàng đế, cua tuyết, cá bơn, geoduck, cá trích, tôm hùm, cá tuyết Thái Bình Dương, cá minh thái, cá hồi, mực ống, cá ngừ...

Vai trò quan trọng của ngành thủy sản

Ông John Connelly, Chủ tịch Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ cho biết mức hỗ trợ là minh chứng cho việc chính quyền Trump ngày càng tập trung vào ngành thủy sản nước này.

"Chương trình Cứu trợ Thương mại Thủy sản là một nỗ lực đáng khen ngợi, là đóng góp quan trọng trong ngành thủy sản thương mại của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh về tầm quan trọng của chuỗi giá trị thủy sản", ông Connelly nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Connelly, chương trình này đã bỏ sót một phần quan trọng trong ngành thủy sản - các nhà chế biến và phân phối.

Ông Connelly cho rằng nếu không có sự trợ giúp của các nhà chế biến và phân phối ở giữa chuỗi cung ứng, sản phẩm đánh bắt của ngư dân sẽ chỉ nằm ở các cảng, vịnh mà không thể tiêu thụ được.

Bà Annie Tselikis, Giám đốc điều hành Hiệp hội các đại lý tôm hùm ở Maine, cho biết tổ chức của bà vô cùng thất vọng khi không có tên trong danh sách của chương trình.

"Mặc dù mục đích của STRP là giảm thiểu tác động của sự trả đũa thuế quan từ các chính phủ nước ngoài đối với các nhà sản xuất tại Mỹ, nhưng lại hoàn toàn không đề cập đến ngành công nghiệp tôm hùm, những người kinh doanh tôm hùm sống và những người chế biến tôm hùm", bà Tselikis cho biết.

Theo bà, toàn bộ chuỗi cung ứng tôm hùm ở Maine bao gồm 6.000 người đang cống hiến hết mình cho công việc để đưa sản phẩm ra thị trường. Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng này là những người phải chịu thiệt hại vì thuế quan trả đũa từ Trung Quốc.

Bà Tselikis tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiếp tục chứng minh cho USDA thấy được giá trị của các công ty tôm hùm và tác động tiêu cực của thuế quan trả đũa bắt nguồn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của họ trong hơn hai năm gần đây".

Ngọc Ánh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.