|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

USDA: Dự trữ gạo thế giới niên vụ 2021-2022 sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ Trung Quốc và Ấn Độ

09:17 | 22/09/2021
Chia sẻ
Trong khi sản lượng và tiêu thụ gạo niên vụ 2021-2022 đều được dự báo tăng kỷ lục thì mức dự trữ cuối kỳ thế giới lại được cho là năm giảm liên tiếp thứ hai do tồn kho ở các quốc gia lớn đồng loạt giảm.

Báo cáo tháng 8 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết trong niên vụ 2021-2022, dự trữ cuối kỳ toàn cầu được dự báo là 170,1 triệu tấn, giảm 3,2 triệu so với dự báo trước đó và giảm 6,8 triệu tấn so với một năm trước đó và là năm thứ hai liên tiếp kho dự trữ cuối kỳ toàn cầu giảm. 

Nguyên nhân chính là sự sụt giảm trữ gạo tại hai nước chiếm tỷ trọng lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Tồn trữ gạo của Trung Quốc đại lục dự kiến giảm 5,5 triệu tấn xuống 111 triệu tấn và của Ấn Độ giảm 3 triệu tấn xuống 22,9 triệu tấn vào cuối niên vụ 2021-2022.

Tỷ lệ tiêu thụ trên dự trữ toàn cầu niên vụ 2021-2022 dự kiến ở mức 33,1%, giảm so với mức 34,9% của niên vụ 2020-2021.

Cũng theo USDA sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2021-2022 được dự báo ở mức kỷ lục 507,5 triệu tấn (xay xát), tăng 1,4 triệu tấn so với dự báo trước đó và lớn hơn 1,6 triệu tấn so với vụ năm ngoái. 

Tiêu thụ gạo toàn cầu cũng được dự đoán kỷ lục với mức 514,3 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn so với dự báo trước đó và lớn hơn 7,6 triệu tấn so với một năm sớm hơn. 

Trong tháng này, USDA đã nâng dự báo mức tiêu thụ của Bangladesh, Myanmar, Iraq, Sri Lanka và Đài Loan, nhưng hạ dự báo tại Brazil, Trung Quốc, Cuba, EU và Mỹ. 

Trên cơ sở hàng năm, Trung Quốc chiếm phần lớn mức dự kiến tăng tiêu thụ gạo toàn cầu và sử dụng còn lại, niên vụ 2021-2022 tổng lượng gạo nội địa và lượng sử dụng còn lại dự kiến sẽ tăng 5,4 triệu tấn lên mức kỷ lục 155,7 triệu tấn. 

Bangladesh, Myanmar, Campuchia, Colombia, Ethiopia, Ghana, Guinea, Ấn Độ, Nepal, Nigeria, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Tanzania, Thái Lan và Việt Nam cũng dự kiến sẽ tăng mức tiêu thụ và sử dụng còn lại trong niên vụ này. 

Ngược lại, tiêu thụ và sử dụng còn lại dự kiến sẽ giảm tại Nhật Bản và Hàn Quốc, là kết quả của việc đa dạng hóa chế độ ăn uống trong thời gian dài cùng với sự gia tăng dân số không đáng kể hoặc dân số suy giảm.

Như Huỳnh