Ứng phó với kỷ nguyên số kiểu Bắc Âu
Ngành bán lẻ truyền thống sẽ ra sao trong kỷ nguyên số? | |
Phần lớn người dùng Bắc Âu mua hàng qua mạng |
Các trường đào tạo do chủ sử dụng lao động tài trợ tự tin 83% học viên ra trường có việc làm ở Thụy Điển. Ảnh: NYT. |
Trong văn phòng điều hành, ông Mika Persson ngồi thoải mái trên một chiếc ghế tựa để điều khiển cỗ máy robot đang đào than ở dưới hầm New Boliden, khoảng hơn nửa dặm dưới mặt đất. Robot này đã làm thay công việc của Mika Persson trước đây.
Hệ thống an sinh xã hội hào phóng của Thụy Điển đã giúp nước này không phải chịu tác động tiêu cực từ quá trình tự động hóa. Đơn cử như trường hợp của ông Mika, trước đây ông phải làm việc ở dưới hầm mỏ và đào các khối đất đá gồm chì, than, kẽm bằng những loại máy thủ công, ông phải hít các loại bụi và khí thải độc hại, nhưng nay ông chỉ cần ngồi ghế tựa trong văn phòng điều khiển robot dưới hầm thông qua màn hình và một bộ điều khiển.
Ông Mika nhận thấy rằng, robot đang ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình sản xuất. Hầm Boliden cũng đang thử nghiệm xe tự lái để thay thế các tài xế xe tải. Nhưng, trái ngược với nhiều dự đoán, những công nhân ở đây lại cho rằng, cần phải để máy móc hoạt động và thay thế con người. Họ tin vào mô hình kinh tế của Thuỵ Điển và sự bảo vệ của Chính phủ trước rủi ro mất việc.
“Tôi không quá lo lắng", ông nói. “Ngay cả khi nhiều công việc mất đi thì còn rất nhiều việc mới tại hầm mỏ này. Công ty sẽ lo cho chúng tôi".
Hầu hết tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước giàu có như châu Âu, mọi người vẫn nói về toàn cầu hoá khiến người lao động tại đây phải cạnh tranh với lao động giá rẻ từ các quốc gia châu Á và châu Mỹ Latin. Giờ đây thì tự động hoá lại tiếp tục “cướp” công việc còn lại của họ.
Nghiên cứu từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016 điều tra 15 nền kinh tế chính, chiếm 2/3 tổng lực lượng lao động toàn cầu, tương đương 1,86 tỉ công nhân, kết luận rằng, robot và trí tuệ nhân tạo sẽ cướp đi 5,1 triệu việc làm vào năm 2020.
Hai nhà nghiên cứu của trường đại học Oxford cũng đưa ra kết luận rằng gần một nửa công việc của người Mỹ sẽ bị thay thế bởi robot và tự động hóa trong 2 thập kỷ tới.
Nhưng tại Thụy Điển và các quốc gia láng giềng vùng Scandinavia, nơi mà các tổ chức công đoàn hoạt động rất mạnh, sự hỗ trợ của nhà nước rất hoà phóng và quan hệ giữa người chủ và người lao động khăng khít thì câu chuyện về tự động hoá hoàn toàn khác. Tại đây, người chủ sử dụng lao động làm ăn phát đạt, công nhân cũng sẽ nhận được một phần từ miếng bánh lợi nhuận đó, điều này khác hẳn với Mỹ hay Anh, khi lương của người lao động tăng chậm chạp trong khi phần lớn lợi nhuận rơi vào túi của đơn vị tuyển dụng.
“Tại Thụy Điển, nếu bạn hỏi một chủ tịch công đoàn: bạn có sợ công nghệ mới hay không? Bạn sẽ nhận được câu trả lời là: Không, chúng tôi sợ công nghệ lạc hậu”, Bộ trưởng về việc làm và hội nhập Thuỵ Điển, Ylva Johansson nói. “Khi công việc biến mất, chúng tôi đào tạo người lao động thích ứng với công việc mới. Chúng tôi không bảo vệ công việc nhưng chúng tôi bảo vệ người lao động".
80% người Thụy Điển được khảo sát có cái nhìn lạc quan về robot và trí tuệ nhân tạo, theo một cuộc điều tra vào năm 2017 của Ủy ban châu Âu. Ngược lại, một cuộc điều tra của Trung tâm nghiên cứu Pew, 72% người Mỹ được khảo sát lại tỏ ra lo lắng về tương lai khi robot và máy tính dần thay thế con người.
Tại Thụy Điển và các nước vùng Scandinavia, chính phủ cung cấp hệ thống chăm sóc sức khoẻ tốt và miễn phí giáo dục. Họ cũng chi hào phóng cho trợ cấp thất nghiệp và chủ sử dụng lao động thì chi “mạnh tay” cho các chương trình đào tạo lao động. Các tổ chức công đoàn ủng hộ tự động hoá như là một lợi thế cạnh tranh để tạo ra công việc tốt hơn.
Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan dành hơn 27% sản lượng kinh tế hàng năm (annual economic output) cho các dịch vụ công để trợ giúp thất nghiệp hoặc giúp các nhóm yếu thế trong xã hội, theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Trong khi đó, Mỹ chỉ dành 20% cho những dịch vụ này.
Tại Thuỵ Điển, có nhiều hội đồng an ninh việc làm (Job Security Council) do chủ sử dụng tài trợ để giúp người lao động mất việc có thể tìm được công việc mới.
TRR Trygghetsradet là một trong những hội đồng như vậy tại Stockholm. Họ tự hào 83% học viên tại đây tìm được việc làm mới trong năm nay, 2/3 trong số đó đã có được công việc với mức lương bằng hoặc hơn công việc cũ.